Chuỗi nhà thuốc tham vọng mở thêm 350 cửa hàng, doanh số tăng 230% ngay trong năm nay
Cuối năm 2019, Pharmacity có 252 cửa hiệu thuốc, chủ yếu ở khu vực phía Nam thì đến hết tháng 4/2020, con số này đã tăng lên 328 cửa hàng, bao phủ rộng khắp 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Cần Thơ, Huế,…
Như vậy, từ đầu năm đến nay, trung bình hơn một ngày lại có thêm một hiệu thuốc Pharmacity mới được mở.
Trong năm 2020, chuỗi dược phẩm này đặt mục tiêu tăng thêm 350 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng trên toàn quốc lên 602.
"Việc niêm yết sẽ được thực hiện ngay sau khi chúng tôi hoàn thành mục tiêu 1.000 cửa hàng vào năm 2021", Chris Blank, CEO Pharmacity chia sẻ.
Pharmacity cho biết việc mở rộng mạng lưới cũng như mảng kinh doanh dự kiến giúp doanh thu trong năm nay lên hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương mức tăng dự kiến 230% so với năm 2019.
Năm ngoái, doanh thu của chuỗi này khoảng 900 tỉ đồng, tăng 129% so với năm 2018.
Ngay đầu tháng 2/2020, khi đại dịch Covid - 19 bùng phát tại nhiều quốc gia, Pharmacity đã được rót thêm 31,8 triệu USD từ vòng gọi vốn series C. Đây là mức gọi vốn lớn nhất mà chuỗi bán lẻ này nhận được tính đến hiện tại.
Trước đó, trong tháng 5/2019, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Mekong Capital cũng thông báo đầu tư vào Pharmacity, nhưng giá trị không được tiết lộ. Giới đầu tư, khoản vốn này dao động 8 - 15 triệu USD.
Pharmacity được thành lập vào tháng 11/2011, và là một trong những chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại đầu tiên tại thị trường Việt Nam, cung cấp các sản phẩm thuốc Đông - Tây y, chăm sóc sắc đẹp và thực phẩm chức năng.
Chuỗi đang hướng đến một hệ thống nhà thuốc tiện lợi, nghĩa là không chỉ bán thuốc mà còn có các sản phẩm tiêu dùng nhanh, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... và cửa hàng ở giữa các khu dân cư.
Thị trường béo bở
Theo báo cáo mới đây của công ty Chứng khoán Đông Á, người Việt đang ngày càng chi nhiều tiền hơn cho chăm sóc sức khoẻ, đặc biệt là trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát toàn cầu và chưa có vaccine đặc trị.
Cụ thể, năm 2005, chi tiêu cho việc mua thuốc trung bình tại Việt Nam mới chỉ đạt 9,85 USD/người/năm, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 37,97 USD/người/năm. Trung bình mức tăng trưởng giai đoạn 2010 - 2015 là 14,6%.
Chứng khoán Đông Á dự báo, chi tiêu mua thuốc của người Việt sẽ duy trì mức tăng trưởng 14% đến năm 2025, và đạt mức 85 USD/người/năm vào năm 2020.
Thị trường dược phẩm được ví như con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp. Trong năm 2019, doanh thu thị trường này ước đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tăng 10% so với năm trước đó, theo Business Monitor International.
Đơn vị này nhận định, với mức chi tiêu cho việc mua thuốc trung bình mỗi năm tăng 14%, thì Việt Nam đang là thị trường dược phẩm đứng thứ 13 thế giới về tốc độ tăng trưởng.
Tuy nhiên, hiện 70% thị trường thuốc vẫn đang được phân phối qua hệ thống ETC, tức đấu thầu bán thuốc cho bệnh viện. Chỉ 30% còn lại phân phối tại các cửa hàng bán lẻ dược phẩm.
Ước tính, Việt Nam đang có khoảng gần 6.000 cửa hiệu thuốc trên cả nước, và là quốc gia có mật độ nhà thuốc cao nhất thế giới.
Các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực bán lẻ thuốc hiện nay có thể kể đến như Long Châu, Phano, Pharmacity, Phúc An Khang, Eco, Medicare, Guardian…
Cuộc chiến sẽ gay gắt hơn
Tốc độ tăng trưởng hai con số của ngành bán lẻ dược phẩm, vốn đang nắm giữ bởi các nhà thuốc riêng lẻ, chưa có thương hiệu, đang hấp dẫn các doanh nghiêp phát trên hệ thống chuỗi nhà thuốc. Do đó, nó cũng đang chịu không ít sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành.
Các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ hàng đầu như Thế Giới Di Động, FPT Retail cũng đang lấn sân sang ngành dược phẩm.
Nhưng Thế Giới Di Động có vẻ không còn mặn mà sau khi thử nghiệm đầu tư và trở thành cổ đông lớn của chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang năm 2018. Hiện doanh nghiệp này chỉ dừng ở mức 20 nhà thuốc An Khang, và tập trung chủ yếu tại TP HCM.
Gã khổng lồ công nghệ FPT từ 2017 đã lấn sâng sang mảng dược phẩm, bằng việc FPT Retail mua lại hệ thống nhà thuốc Long Châu với tuổi đời hơn 10 năm hoạt động tại TP HCM.
Hiện FPT Retail đang sở hữu 94 nhà thuốc Long Châu. Theo chia sẻ từ FPT Retail, hiện mỗi nhà thuốc Long Châu đang mang về doanh thu khoảng 1,6 tỉ đồng/tháng, hoà vốn hoặc có lãi sau 6 tháng đi vào hoạt động.
Không chỉ các doanh nghệp nội, các đại gia ngoại cũng nhanh chân tiến vào lĩnh vực này. Đi đầu là nhà bán lẻ thuốc và thực phẩm chăm sóc sức khoẻ Century Pharma của Indonesia. Chuỗi cửa hàng Century Healthcare đã hình thành sau khi nhà bán lẻ này mua lại chuỗi nhà thuốc Vistar, hiện 24 cửa hàng đang hoạt động, đặt tại nhiều trung tâm thương mại lớn của TP HCM như Bitexco, Saigon Centre, Aeon Mall, Giga Mall…
Kênh bán lẻ các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp, hướng tới tiêu dùng cá nhân cũng đang được thống trị bởi 2 chuỗi lớn là Guardian và Medicare.
Như vậy, có thể thấy cuộc đua giữa các chuỗi cửa hàng dược phẩm đang dần gay cấn, khi các doanh nghiệp nội lẫn ngoại đang đẩy nhanh quy mô để giành thị phần trong "chiếc bánh" ước tính có giá trị 6,5 tỉ USD/năm.