Chuỗi nhà thuốc: Long Châu dẫn đầu doanh thu, Pharmacity thống trị quy mô, còn chỗ nào cho An Khang?
Pharmacity đi đầu về quy mô
Pharmacity đang là đơn vị có số lượng cửa hàng thuốc nhiều nhất trên cả nước, với tổng cộng 1.093 nhà thuốc tính đến ngày 30/9. Như vậy, Pharmacity đã mở thêm 93 chuỗi nhà thuốc mới sau 6 tháng khi cán mốc 1.000 nhà thuốc vào cuối tháng 3. Tính riêng trong quý I, Pharmacity đã mở mới tới 200 nhà thuốc trên toàn quốc.
Năm nay, Pharmacity phấn đấu đạt mục tiêu 1.750 nhà thuốc, mục tiêu đến năm 2025 có 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Kế hoạch đầy tham vọng này sẽ đưa thương hiệu đạt mức doanh thu hơn 3 tỷ USD và đội ngũ nhân viên hơn 35.000 người.
Trong khi đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FPT Retail tính đến ngày 30/9 có tổng cộng 791 nhà thuốc trên toàn quốc. Như vậy, sau ba tháng kể từ khi FPT Retail công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đơn vị này đã mở mới thêm 113 nhà thuốc mới, mở thêm 391 nhà thuốc mới nếu tính từ đầu năm.
Năm nay, Long Châu sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường bán lẻ dược phẩm. Dự kiến, công ty sẽ mở mới 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng dự kiến lên khoảng 700 – 800. Với tốc độ mở mới hiện tại, FPT Retail hoàn toàn có khả năng vượt mục tiêu đã đề ra về quy mô số lượng cửa hàng thuốc cho cả năm 2022.
Một cái tên khác trên thị trường bán lẻ dược phẩm là An Khang, đơn vị thuộc hệ sinh thái của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG). Tính đến ngày 30/9, An Khang có tổng cộng 549 nhà thuốc, đồng nghĩa với việc công ty đã mở mới thêm 40 nhà thuốc trong một tháng kể từ cuối tháng 8, theo báo cáo kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm của Thế Giới Di Động.
Dù mới bắt đầu hành trình với chuỗi nhà thuốc trong năm nay, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Điện Máy Xanh (ĐMX) và Thế Giới Di Động (TGDĐ) bày tỏ sự lạc quan với sự tăng trưởng của An Khang.
Bằng chứng chính là những mục tiêu tham vọng của chuỗi nhà thuốc này khi mong muốn mở 800 điểm bán tính dến cuối năm nay, 2.000 điểm bán đến cuối năm 2023 để “dẫn đầu thị trường bán lẻ thuốc hiện đại cả quy mô và số lượng”.
Doanh thu Long Châu cao nhất
Tuy số lượng cửa hàng của Long Châu chưa bằng so với Pharmacity, song chuỗi nhà thuốc này lại có tỷ trọng thuốc/thực phẩm chức năng lên tới 70 – 80%, qua đó trở thành đơn vị có định hướng giống với nhà thuốc nhất.
Trong khi đó, sản phẩm khác ngoài thuốc và thực phẩm chức năng của Pharmacity chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng số sản phẩm của các cửa hàng, rơi vào khoảng 60 – 73%.
Theo báo cáo mới nhất về ngành dược phẩm của SSI Research, nhà thuốc Long Châu có khoảng 12.000 sản phẩm, cao hơn nhiều so với chỉ khoảng 1.000 – 2.000 sản phẩm của các hiệu thuốc nhỏ. Điều này cho phép công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chữa bệnh mãn tính, vốn tăng lên cùng với tuổi thọ và thu nhập khả dụng.
Điều này góp phần giúp nhà thuốc Long Châu tạo ra doanh thu cao hơn nhiều so với các nhà thuốc khác. Cụ thể, theo SSI Research, doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng trong quý I của Long Châu rơi vào khoảng 1,4 – 15 tỷ đồng, cao hơn mức 0,6 tỷ đồng của Pharmacity.
Trước đó, trong cuộc gặp gỡ cổ đông hồi tháng 5, lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc An Khang đã hoạt động tròn tháng là 0,7 – 0,8 tỷ đồng/tháng. Con số này cũng khá tương đồng so với mức 0,7 tỷ đồng mà SSI Research đã tổng hợp.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của FPT Retail, chuỗi Long Châu đem về doanh thu 4.008 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 200% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào 29% tổng doanh thu của công ty.
Mặc dù số lượng sản phẩm của An Khang chưa thể sánh ngang với Long Châu, nhưng SSI Research nhận định rằng tình hình tài chính của MWG an toàn hơn, cho phép công ty tăng tốc độ mở mới để bắt kịp FPT Retail.
Cuối cùng, Pharmacity dù có số lượng cửa hàng lớn nhất và cũng có tốc độ mở mới các chuỗi nhà thuốc tương đối nhanh, song công ty vẫn thua lỗ vào năm 2021, trong khi cả Long Châu và An Khang đều đã hòa vốn.
Dư địa cho An Khang
Tổ chức UQVIA Institute vừa qua đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong giai đoạn 2020-2025 là 8%.
Theo dự báo của BMI Research thì thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt đến 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.
Theo nghiên cứu từ EIU (Economist Intelligence Unit), doanh thu dược phẩm tại Việt Nam đã đạt mức 5,9 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ) vào năm 2021. Trong giai đoạn 2017 - 2021, doanh thu dược phẩm tăng trưởng với tốc độ CAGR là 7,4%.
EIU dự báo tốc độ tăng CAGR là 9,5% trong 5 năm tới, do chi tiêu cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe sẽ tăng cùng với thu nhập người dân tăng lên. Xét theo từng kênh, kênh ETC (kênh bệnh viện) đóng góp khoảng 75 - 76% tổng doanh thu trong 5 năm qua.
Những con số này chỉ ra rằng thị trường dược phẩm Việt Nam nói chung và bán lẻ dược phẩm Việt Nam nói riêng là một trong những thị trường có mức tăng trưởng nhanh và tiềm năng. Do đó, dù đi sau so với đối thủ, nhưng rõ ràng An Khang vẫn còn rất nhiều "đất diễn".
Theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em - lãnh đạo MWG phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang, biên lợi nhuận gộp của An Khang đang ở mức 20%, song việc dồn tiền đầu tư tăng tốc mở rộng cửa hàng, xây dựng thương hiệu nhà thuốc đã "ngốn" rất nhiều tiền của chuỗi. CEO Thế Giới Di Động trấn an cổ đông rằng công ty sẽ có sự điều chỉnh lại khi An Khang đạt mục tiêu mở rộng quy mô, phục vụ việc kinh doanh có lời, tiến tới đạt điểm hòa vốn.
Mục tiêu mà MWG đặt ra đến 31/12 là An Khang sẽ có lãi. "Nếu tốc độ mở rộng như chúng tôi đang tiến hành hiện tại, công ty dự kiến đến năm 2023, An Khang sẽ có 2.000 cửa hàng, tự tin đứng số 1 thị trường về quy mô lẫn doanh thu", ông Đoàn Văn Hiểu Em nói về tham vọng với An Khang.
Để đạt được con số doanh thu ấn tượng này, An Khang có rất nhiều thay đổi về mặt chiến lược cũng như định hình lại mô hình kinh doanh, thiết kế lại layout cửa hàng, cơ cấu danh mục sản phẩm,... Đầu tháng 6, An Khang sẽ ra mắt website mới nhằm phục vụ bán hàng online.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông MWG, ông Đoàn Văn Hiểu Em từng nhận định An Khang sẽ tăng tốc như vũ bão trong năm nay và đến cuối năm có thể đứng vị trí top 3 của ngành dược cả về doanh thu cũng như số lượng chuỗi cửa hàng.
Như đã nói, vấn đề mà An Khang chú trọng là gia tăng thị phần và số lượng cửa hàng thay vì lợi nhuận. Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho rằng khi đạt được những mục tiêu này thì việc chuyển hóa từ doanh thu sang lợi nhuận sẽ đến sớm.
Tại thời điểm cuối năm 2021, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng An Khang khoảng 340 - 350 triệu đồng. Đến quý I/2022, doanh số trung bình một cửa hàng trong tháng 3 tăng gần gấp đôi khoảng 650 triệu đồng/cửa hàng.
"Chúng tôi quan niệm với bán lẻ là cứ làm hết sức mình với những kế hoạch đề ra nhằm mục tiêu phục vụ trải nghiệm khách hàng", lãnh đạo Thế Giới Di Động cho biết.