Thị trường bán lẻ dược và sự vươn lên của các ông lớn: An Khang khởi động sau nhưng mang tiềm lực dẫn đầu
Thị trường dược phẩm bùng nổ từ đại dịch COVID-19 kéo theo cuộc chiến mở rộng cửa hàng của các chuỗi bán lẻ dược trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong khi các hệ thống nhà thuốc khác đã tăng tốc và nhanh chóng mở rộng thị phần từ cuối năm 2020 thì giai đoạn này, An Khang vẫn chỉ mới có chưa đến 100 cửa hàng.
Thế nhưng, chỉ trong vòng vài tháng, Nhà thuốc An Khang đã nhanh chóng gia nhập cuộc chiến giành thị trường khi tăng tốc và đạt cột mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc trong tháng 7/2022.
Tại sự kiện mừng An Khang chạm mốc 500 cửa hàng trên toàn quốc, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO An Khang cho biết: “Với kinh nghiệm cũng như tiềm lực tài chính, con người và mối quan hệ sẵn có của Thế Giới Di Động, An Khang dù đi sau nhưng hoàn toàn có tiềm lực dẫn đầu thị trường”.
Theo đó, ông cũng cho biết, mục tiêu năm nay của An Khang là “phủ xanh” các tỉnh thành với 800 cửa hàng trên toàn quốc. Với con số này, có thể An Khang vẫn chỉ nằm trong top 3 nhưng khoảng cách giữa An Khang và hai chuỗi bán lẻ dẫn đầu đã rút ngắn đáng kể. Thậm chí so với hệ thống đứng thứ 2 thì gần như không còn khoảng cách.
Thị trường đầy tiềm năng, chưa được khai phá
Thị trường dược ở Việt Nam khá “màu mỡ” với hơn 100 triệu dân, ước tính tầm 7-8 tỷ đô. Trong đó, kênh bán lẻ chiếm khoảng 2-3 tỷ đô, tập trung chủ yếu ở các nhà thuốc tư nhân nhỏ lẻ, manh mún. Hiện nay, hầu như chưa có một chuỗi bán lẻ nào đủ sức thống lĩnh và khai phá hết tiềm năng của thị trường dược.
Đây chính là cơ hội để An Khang có thể phát triển mạnh mẽ, mang đến cho người dùng một mô hình nhà thuốc hiện đại với những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sự an tâm về giá cả và đội ngũ bán hàng có trình độ, chuyên môn cao.
Ông Hiểu Em cho biết, với tiềm năng về tài chính, con người thì việc mở rộng cửa hàng, chiếm lĩnh thị trường của An Khang gần như đã nằm trong hoạch định. “So với việc mở một cửa hàng điện máy thì việc mở một nhà thuốc đơn giản hơn vì mặt bằng nhỏ, không tốn quá nhiều chi phí đầu tư ban đầu. Với kinh nghiệm mở chuỗi và đào tạo nhân lực của Thế Giới Di Động, tôi tin chắc trong năm 2023, An Khang sẽ dẫn đầu thị trường về số lượng nhà thuốc cũng như chất lượng dịch vụ”, ông Hiểu Em chia sẻ.
Bên cạnh việc mở chuỗi, An Khang cũng cho biết tham vọng phát triển kênh ETC - vốn chiếm đến 2/3 thị trường dược phẩm - bằng việc hợp tác cùng với các bệnh viện để mở rộng kênh bán hàng.
Mở rộng, tăng tốc và củng cố
Bên cạnh An Khang, hiện nay Thế Giới Di Động đang chú trọng phát triển đa ngành nghề với nhiều chuỗi bán lẻ như ngành hàng mẹ và bé đang khá thành công với hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc.
Theo đại diện Thế Giới Di Động chia sẻ, kế hoạch của Thế Giới Di Động từ đây đến 2030 là liên tục mở rộng ra các lĩnh vực khác nhau. Với mỗi chuỗi như vậy, Thế Giới Di Động sẽ có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và khi đã tìm ra mô hình phù hợp sẽ nhanh chóng tăng tốc mở rộng như với An Khang hiện nay.
Tuy nhiên, sau giai đoạn mở cửa ồ ạt, Thế Giới Di Động sẽ bắt đầu bước sang giai đoạn củng cố, rà soát như Bách hóa Xanh. Đối với tập đoàn này, việc đóng lại những cửa hàng kinh doanh không hiệu quả là bước đi cần thiết để củng cố và phát triển tiếp trong tương lai.
“Đối với tất cả các chuỗi, chúng tôi đều sẽ thực hiện như vậy, tức là tăng tốc mở rộng và đến một lúc nào đó sẽ chậm lại một nhịp để củng cố mô hình”, ông Hiểu Em chia sẻ. Và với An Khang, 2022 - 2023 hứa hẹn sẽ là giai đoạn tăng tốc bùng nổ để sớm về đích như hoạch định.