|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi đồ uống đầu tiên tại Việt Nam từ chối thanh toán bằng tiền mặt

16:53 | 08/06/2024
Chia sẻ
Starbucks sẽ áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt tại một số cửa hàng nhằm mang đến trải nghiệm nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Từ cuối năm 2023, Starbucks đã chính thức áp dụng mô hình cửa hàng không tiền mặt tại một số cửa hàng ở TP HCM và Hà Nội, trở thành chuỗi cà phê đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương thức này. Nói về động thái này, chuỗi đồ uống cho biết: "Starbucks áp dụng phương thức thanh toán không tiền mặt nhằm mang đến trải nghiệm nhanh chóng, tiện lợi hơn cho khách hàng". 

Cửa hàng Starbucks Emporium là một trong số địa điểm áp dụng mô hình không sử dụng tiền mặt của Starbucks. (Ảnh: Starbucks). 

Sau giai đoạn thử nghiệm, Starbucks đã mở rộng mô hình thanh toán không tiền mặt tại 11 địa điểm ở nhiều quận của TP HCM và hai cửa hàng ở Hà Nội tính đến cuối tháng 3. Cụ thể, các chi nhánh không nhận thanh toán tiền mặt của Starbucks tại TP HCM bao gồm:

Starbucks Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3), Starbucks E-Town (Quận Tân Bình), Starbucks Cobi (Quận 7), Mansion (Quận Phú Nhuận), Gateway (Quận 2), Vinhomes Origami (Thủ Đức), Sun Avenue (Thủ Đức), Mê Linh Point (Quận 1), Aeon Tân Phú (Quận Tân Phú), Emporium (Quận 11). Tại Hà Nội, mô hình này được áp dụng tại Starbucks Duy Tân và Trung Hòa (Quận Cầu Giấy).

Starbucks cho biết khách hàng có thể sử dụng nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt như thẻ Starbucks Rewards, ví điện tử MoMo, ZaloPay, thẻ ngân hàng, cũng như các phương thức thanh toán ít chạm như Apple Pay và Samsung Pay.

Đáng chú ý, với thẻ Starbucks Rewards, khách hàng có thể nạp tiền qua thẻ ngân hàng hoặc thẻ quà tặng. Số tiền này sau đó sẽ được quy đổi thành sản phẩm tại Starbucks và tích lũy điểm thưởng. Thẻ Starbucks Rewards từ lâu được xem là một công cụ để thương hiệu cà phê này có thể thu hút tiền từ lượng khách hàng trung thành đông đảo.

Theo CNN, tính đến hết quý I/2024, số lượng thành viên hoạt động trên 90 ngày của Starbucks Rewards tại Mỹ là hơn 34 triệu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, Starbucks công bố rằng họ đang giữ 1,7 tỷ USD trong các tài khoản Starbucks Rewards, số tiền này được sử dụng để tái đầu tư hoặc mở các cửa hàng mới mà không phải trả lãi.

Theo CNBC, Starbucks bắt đầu thử nghiệm mô hình cửa hàng không tiền mặt tại Mỹ từ năm 2018, với một cửa hàng tại Seattle để nghiên cứu tác động của thanh toán bằng thẻ tín dụng và kỹ thuật số lên hành vi và trải nghiệm khách hàng.

Starbucks cũng đã áp dụng mô hình này tại nhiều cửa hàng ở Hong Kong từ tháng 6/2022, tuy nhiên gặp phải sự phản đối từ Hội đồng người tiêu dùng Hong Kong vì cho rằng điều này làm hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng, theo South China Morning Post.

Tại Anh, sau làn sóng tẩy chay mô hình không tiền mặt, Starbucks UK đã buộc phải lên tiếng khẳng định không có kế hoạch áp dụng rộng rãi mô hình này và vẫn cung cấp các tùy chọn thanh toán bằng tiền mặt, theo The Guardian.

Trở lại với Việt Nam, theo nghiên cứu của Visa năm 2023, người Việt trung bình có 11 ngày mỗi tháng không sử dụng tiền mặt, tăng gần bốn lần so với năm 2022. Khoảng 56% người được khảo sát cho biết không giữ tiền mặt trong ví để tránh chi tiêu quá mức. Bên cạnh đó, 62% người được hỏi sử dụng thanh toán bằng mã QR hơn 16 lần mỗi tháng, cao hơn so với 12-13 lần khi dùng thẻ ngân hàng.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2024, giao dịch không tiền mặt tăng 63,3% về số lượng và 41,45% về giá trị, đặc biệt giao dịch qua QR code tăng tới 892,95% về số lượng và 1.062,01% về giá trị. Ngược lại, giao dịch qua ATM giảm 15,14% về số lượng và 18,76% về giá trị. Đến cuối tháng 1-2024, thị trường có 20.986 ATM, giảm 1,70% so với cùng kỳ năm 2023.

Thành Vũ