Chứng khoán tái khởi động với giá dầu
Thứ Ba tuần này, 25-9-2018, phát biểu trước Đại hội đồng lần thứ 73 của Liên hiệp quốc, Tổng thống Mỹ lại nhấn mạnh các nước OPEC đang “xé toạc thế giới” bằng giá dầu. Tuy nhiên không phải mọi nguyên thủ quốc gia đều đồng tình với ông. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu cũng tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngay sau đó đã khẳng định “nói không với luật của nước mạnh nhất và sức ép từ một phía” trong giải quyết các vấn đề quốc tế, cả kinh tế và ngoại giao.
Giá dầu thế giới đã giảm quá nhiều và đứng ở mức thấp một thời gian quá lâu. Những dự báo của chuyên gia quốc tế về việc giá dầu lên 80 đô la Mỹ/thùng ngày một phổ biến.
Giá dầu tăng cùng lúc với việc Nhà nước quyết định sẽ nâng thuế bảo vệ môi trường lên giá xăng dầu bán lẻ thêm 1.000 đồng/lít từ ngày 1-1-2019 sẽ tạo ra áp lực lớn đối với lạm phát. Sự thắt chặt của chính sách tiền tệ, vì thế, cũng hiện rõ nét hơn. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành tỷ giá theo hướng tiền đồng mất giá dần dần nhưng chắc chắn. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất huy động đang dâng lên sau khi lãi suất đầu ra đã tăng khoảng 1,5-2% so với đầu năm ở mọi kỳ hạn.
Chứng khoán đã phản ứng nhanh và mạnh với sự biến động của giá dầu. Các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC, BSR, PLX, OIL... đã tăng 30-50% trong vòng ba tuần trở lại đây. Hầu hết thị giá cổ phiếu nhóm dầu khí đang ở vùng đỉnh của một năm bất chấp lợi nhuận của đa số các doanh nghiệp này năm nay và năm sau còn sụt giảm. Ông Đỗ Văn Khạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của PVD, cho biết năm nay PVD vẫn còn lỗ bởi mức tăng của giá dầu chưa thể tạo ra hiệu ứng ngay lập tức đối với dịch vụ của ngành. Một cách khách quan, giá dầu dù lên tới 75 đô la Mỹ/thùng thì mới chỉ bằng một nửa mức giá của nhiều năm trước.
Kỳ vọng quá mức vào hiệu ứng giá dầu đã đẩy thị giá cổ phiếu dầu khí vượt quá giá trị thực ở thời điểm hiện tại. Sự hưng phấn của nhà đầu tư đang được hỗ trợ bởi đà vượt qua mốc 1.000 điểm của VN-Index. Sau gần bốn tháng điều chỉnh, VN-Index dường như đang bước vào giai đoạn phục hồi trước khi đối diện với những thử thách của kinh tế vĩ mô năm tới.
Còn khá nhiều lưỡng lự và nghi ngờ về khả năng liệu VN-Index đi xa được tới đâu sau khi để 1.000 điểm lại phía sau. Chứng khoán đã trồi sụt hàng tuần liền và thử thách ngưỡng 1.000 điểm ba lần và lần thứ ba mới vượt thành công. Đó là kết quả diễn biến tâm lý của giới đầu tư. Tỷ giá, lãi suất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... đã được truyền thông đề cập trên mọi góc cạnh và nhà đầu tư bỗng nhận ra đấy là cả câu chuyện dài hơi, không thể nào sớm kết thúc. Thay vì lánh xa nó, giờ đây các nhà đầu tư chấp nhận sống chung với nó. Vì thế, cuộc chơi với chứng khoán được khởi động lại.
Nếu so sánh với thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, ở cùng mức điểm số, VN-Index hiện nay đã khác hẳn. Trước đây là sự tự tin vào sự bùng nổ của một chu kỳ mới của chứng khoán, vào quá trình chuyển sang trang mới sau một thập kỷ suy thoái với sự tham gia thị trường của cả một thế hệ nhà đầu tư mới vốn dĩ chưa trải qua khủng hoảng tài chính năm 2008. Việc thị trường lao dốc ngay sau đó đã dội một gáo nước lạnh vào những người mới tham gia đầu tư. Họ được trải nghiệm biến động thất thường của một thị trường mang đầy bản chất cận biên, trong khi thế hệ những nhà đầu tư cũ bắt đầu nhìn lại cả mười mấy năm phát triển của chứng khoán Việt Nam. Kinh nghiệm “đau thương” trong quá khứ khiến họ cảnh giác và bảo thủ hơn trong đánh giá, nhận định tác động của các yếu tố tài chính bên ngoài.
Do sự khác nhau ấy, biến động của VN-Index trong những tháng tới và hết năm nay có thể sẽ “cẩn trọng”, cơ hội không trải đều cho mọi nhóm cổ phiếu vì dòng tiền vào thị trường không thể ở quy mô như trước. Các phiên khớp lệnh 300 triệu cổ phiếu liên tục nhiều ngày chưa thể lặp lại.