Chứng khoán Mỹ xuống dốc sau phát biểu của Chủ tịch Fed, Dow Jones mất hơn 500 điểm
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 505 điểm, tương đương 1,55%, và đóng cửa ở gần 32.148 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi đi xuống tương ứng 2,5% và 3,36%.
Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ngày 2/11 thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ 4 liên tiếp kể từ tháng 6 năm nay nhằm kiềm chế lạm phát. Trong cuộc họp báo vào buổi chiều, Chủ tịch Jerome Powell cho biết cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc.
“Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi, và các dữ liệu kinh tế mới kể từ cuộc họp trước cho thấy mức lãi suất cuối chu kỳ thắt chặt này sẽ cao hơn so với dự báo trước kia”, ông Powell nói. Chủ tịch Fed nhận định thêm rằng hiện nay vẫn còn “quá sớm” để nói về việc tạm dừng tăng lãi suất.
Thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tăng điểm sau khi thông cáo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) gợi ý về khả năng giảm tốc độ nâng lãi suất trong thời gian tới. Dow Jones có lúc tăng hơn 300 điểm, S&P 500 và Nasdaq Composite có lúc đi lên lần lượt 0,65% và 0,4%.
“Khi xác định nhịp độ nâng lãi suất mục tiêu trong tương lai, Ủy ban FOMC sẽ xem xét tới toàn bộ quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng như độ trễ mà chính sách tiền tệ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, lạm phát, và những sự phát triển về kinh tế và tài chính”, thông cáo của FOMC - cơ quan quyết định lãi suất của Fed - có đoạn viết.
Vào cuối phiên, các chỉ số đồng loạt quay đầu đi xuống sau khi Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo chiều 2/11 rằng lạm phát vẫn quá cao và ra tín hiệu cho thấy Fed sẽ không sớm dừng các đợt tăng lãi suất.
CNBC dẫn lời ông Jack McIntyre, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Brandywine Global, nhận định: “Giọng điệu trong các bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell là khá diều hâu, có nghĩa là Fed vẫn còn nhiều việc phải làm để chống lạm phát, mặt bằng lãi suất sẽ phải lên cao hơn dự kiến trước kia”.
“Không có dấu hiệu bồ câu nào để cho thấy Fed có khả năng sắp tạm dừng nâng lãi suất”, ông McIntyre nói thêm.
Khi nói về chính sách tiền tệ, “diều hâu” là từ dùng để chỉ thái độ cứng rắn với lạm phát, sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để kìm chế đà tăng của giá cả. Ngược lại, “bồ câu” nghĩa là chấp nhận lạm phát để đạt được sự phát triển kinh tế.
Theo CNBC, cổ phiếu hàng tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ thông tin là những nhóm giảm sâu nhất thị trường chứng khoán Mỹ phiên 2/11, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Cổ phiếu viễn thông cũng mất trên 3%.
Cổ phiếu các đại gia công nghệ gồm Amazon, Netflix và Meta Platforms (sở hữu Facebook) đều mất trên 5%. Cổ phiếu xe điện Tesla và phần mềm Salesforce giảm lần lượt 5,6% và 6,1%.
Fed quyết định tăng lãi suất sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ ngày 1/11 công bố số liệu cho thấy thị trường việc làm vẫn đang vững mạnh với số công việc cần tuyển dụng vào tháng 9 lên tới 10,72 triệu, cao hơn nhiều so với dự báo 9,85 triệu.
Thống kê của công ty phân tích ADP ngày 2/11 cho thấy khu vực tư nhân của Mỹ tạo ra thêm 239.000 việc làm trong tháng 10, khả quan hơn dự báo của các chuyên gia. Số việc làm tạo mới chủ yếu ở trong ngành dịch vụ.
Đồng USD suy yếu sau khi thông cáo của FOMC được công bố nhưng rồi mạnh lên sau phát biểu của ông Powell. Chỉ số USD (DXY) - đo lường giá trị của đồng bạc xanh với 6 loại ngoại tệ mạnh - tăng 0,6% lên 112,15 điểm.