|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ sa sút sau tin tiêu cực từ đại gia bán lẻ, Dow Jones mất hơn 200 điểm

07:21 | 27/07/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/7 đồng loạt đi xuống sau khi Walmart hạ dự báo lợi nhuận, khiến nhà đầu tư lo ngại về khả năng chi tiêu của người dân Mỹ và nguy cơ suy thoái kinh tế.

Dow Jones đi xuống trong phiên 26/7, mất hơn 200 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 228,5 điểm, tương đương 0,71%, và kết phiên ở 31.761,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,15% còn 3.921 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại phía sau khi mất tới 1,87%, đóng cửa ở 11.562,57 điểm.

Theo CNBC, các chỉ số chính vẫn đang trên đà ghi nhận tháng tích cực nhất kể từ đầu năm 2022.

Nasdaq đã giảm ba phiên liên tục.

Walmart cho biết lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) quý II có thể sẽ giảm khoảng 8-9% và dự báo lợi nhuận cả năm đi xuống khoảng 11-13%. Ban đầu, đại gia bán lẻ này kỳ vọng lợi nhuận quý II sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ, còn số lãi cả năm chỉ giảm khoảng 1%.

Năm tài chính của Walmart bắt đầu từ tháng 2, quý II gồm các tháng 5, 6 và 7. Tập đoàn quản lý chuỗi siêu thị này cho biết giá cả tăng cao đang khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu cho nhiều loại hàng hóa chung, đặc biệt là trang phục.

Giá cổ phiếu Walmart lao dốc 7,6% trong ngày 26/7 và kéo các cổ phiếu bán lẻ khác đi xuống theo. Kohl’s và Target giảm lần lượt 9,1% và 3,6%. Ở nhóm doanh nghiệp phân phối quần áo, Macy’s sa sút mạnh nhất khi mất 7,2%.

Nordstrom và Ross sụt giảm lần lượt 5,8% và 5,7%. Chứng chỉ quỹ ngành bán lẻ SPDR S&P Retail ETF rơi gần 4,2%. Biểu đồ bên dưới cho thấy cả chứng chỉ quỹ ETF của ngành cũng như hai cổ phiếu bán lẻ lớn đều đang thấp hơn nhiều so với đầu năm 2022.

Cổ phiếu bán lẻ diễn biến tiêu cực trong những tháng gần đây. Giá cổ phiếu Target và Walmart từng lao dốc mạnh vào tháng 5 sau khi công bố kết quả kinh doanh quý I.

CNBC dẫn lời ông Robert Cantwell, Quản lý danh mục tại công ty Upholdings, nhận định: “Điều quan trọng nhất từ thông báo của Walmart là cách lạm phát đang thay đổi thói quen mua sắm của người dân. Thực phẩm giờ đây chiếm tỷ trọng lớn hơn trong ngân sách của mọi người, nhưng tổng chi tiêu nói chung vẫn chỉ đi ngang”.

Các cổ phiếu thương mại điện tử cũng bị xả mạnh tương tự như cổ phiếu bán lẻ. Shopify cắm đầu 14,1% sau khi thông báo cắt giảm khoảng 10% lượng lao động toàn cầu vì chi tiêu trực tuyến suy yếu. Shopify cũng thừa nhận đã đánh giá sai khoảng thời gian thương mại điện tử bùng nổ nhờ xu thế đại dịch.

Amazon rớt 5,2%, Block và PayPal giảm lần lượt 7,1% và 5,7%. Biểu đồ bên dưới cho thấy cổ phiếu ngành tiêu dùng không thiết yếu (bao gồm các cổ phiếu hàng tiêu dùng và bán lẻ) là nhóm lao dốc mạnh nhất chỉ số S&P 500 phiên 26/7.

Nhóm tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất phiên 26/7, chỉ có ba nhóm tăng điểm.

Lạm phát không chỉ thay đổi thói quen tiêu dùng mà còn thay đổi chi phí sản xuất của doanh nghiệp như General Motors. Tập đoàn xe hơi lâu đời này công bố lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng, giá cổ phiếu giảm 3,4%. General Motors cho biết kết quả kinh doanh quý II bị ảnh hưởng vì những đứt gãy trong chuỗi cung ứng khiến cho nhà máy có lúc phải đóng cửa, số xe bán ra giảm sút.

Cổ phiếu UPS giảm 3,4% sau khi tập đoàn giao vận này thông báo số đơn hàng trong quý II thấp hơn 222.000 kiện/ngày so với dự báo trước đó. Cước phí cao hơn đã giúp bù đắp sự suy yếu của số hàng được giao.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Coca-Cola tăng 1,6% sau khi đại gia nước giải khát này công bố doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu và giá bán cùng tăng.

Ngày 26/7, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp thường kỳ kéo dài hai ngày. Chiều 27/7, Fed sẽ thông báo quyết điều chỉnh định lãi suất và cung tiền. Nhà đầu tư dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %, tương tự như đã làm trong tháng 6.

Đức Quyền