Chứng khoán Mỹ sa sút sau ba ngày tăng liên tục, nhóm công nghệ tụt dốc
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 137 điểm, tương đương 0,43%, và kết phiên ở 31.899 điểm. S&P 500 giảm 0,93% còn gần 3.962 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt dốc sâu nhất khi mất 1,87% và đóng cửa ở 11.834 điểm
Tuy sa sút trong phiên thứ Sáu (22/7) nhưng các chỉ số hiện nay vẫn cao hơn mức cuối tuần trước. Dow Jones tăng gần 2% trong tuần qua, S&P 500 và Nasdaq thêm lần lượt 2,6% và 3,3%.
Công ty mạng xã hội Snap (sở hữu ứng dụng Snapchat) công bố kết quả kinh doanh gây thất vọng khi số lỗ cao hơn dự kiến còn doanh thu thấp hơn kỳ vọng. Cổ phiếu Snap cắm đầu giảm 39,2%.
Nhiều cổ phiếu mạng xã hội khác cũng đi xuống như Meta (công ty mẹ của Facebook) và Match Group (công ty mẹ của Tinder) cũng lao dốc lần lượt 7,6% và 3,3%. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin là nhóm diễn biến tiêu cực nhất thị trường phiên 22/7.
CNBC dẫn lời ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research, nhận định: “Snap đã bẻ gãy xu hướng tăng của Nasdaq sau khi công bố kết quả kinh doanh đáng thất vọng, tác động tiêu cực lan tỏa sang cả chỉ số S&P”.
Trong ba phiên trước, cổ phiếu công nghệ và chỉ số Nasdaq đều dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ.
Ông Stovall nói thêm: “Đây chỉ là một ví dụ về sự biến động mà nhà đầu tư nên lường trước khi kết quả kinh doanh được công bố và có thể gây ra những sự lên xuống trong giá cả tùy thuộc vào việc lợi nhuận cao hơn hay thấp hơn dự báo”.
Cổ phiếu Twitter tăng 0,8% bất chấp thông báo doanh thu, lợi nhuận và tăng trưởng người dùng trong quý II đều thấp hơn kỳ vọng. Twitter đổ lỗi cho các thách thức trong ngành quảng cáo cũng như những “bất định” xoay quanh thương vụ mua lại của tỷ phú Elon Musk đã khiến kết quả kinh doanh của công ty bị ảnh hưởng.
Cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ của Google) và mạng xã hội Pinterest giảm tương ứng 13,5% và 5,6%.
Khoảng 21% số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý II, trong số này khoảng 70% có lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích.
Tuy các chỉ số đi lên trong tuần qua nhưng nhiều nhà đầu tư không cho rằng đà giảm của thị trường đã qua. Kể từ sau Thế chiến II đến nay, gần 2/3 số phiên mà S&P 500 tăng từ 2,76% trở lên xảy ra trong giai đoạn thị trường gấu, 71% diễn ra trước khi thị trường chạm đáy, ông Sam Stovall của CFRA cho hay.
Ông Stovall tin rằng S&P 500 có thể hồi phục lên mức 4.200 điểm rồi quay đầu giảm xuống mức đáy quanh 3.700 điểm của tháng 6 vừa qua.
Trên thế giới, thị trường chứng khoán châu Âu tăng nhẹ trong phiên 22/7, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Các thị trường châu Á biến động trái chiều khi Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc giảm điểm còn Nhật Bản và Hong Kong đi lên.