|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ phân hóa mạnh: Dow Jones giảm liền 8 phiên, Nasdaq Composite lại lập kỷ lục

07:00 | 17/12/2024
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ ghi nhận kết quả trái chiều trong phiên giao dịch trước thềm cuộc họp của Fed. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt Nasdaq Composite và S&P 500 tiếp tục đi lên, trong khi Dow Jones quay đầu giảm.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 16/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 111 điểm xuống còn 43.717 điểm, đánh dấu phiên tiêu cực thứ 8 liên tiếp và chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2018. 

Ở chiều ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,24% lên 20.174 điểm và lập kỷ lục mới. Tương tự, chỉ số S&P 500 cũng tiến thêm 0,38% lên 6.074 điểm. 

Từ đầu năm đến nay, Nasdaq Composite đã tăng 34,4%. 

Các cổ phiếu Apple, Alphabet (Google), Tesla và Broadcom đều tăng lên mức kỷ lục mới. Trong đó, cổ phiếu Broadcom tiếp tục vọt lên thêm 11%, dẫn đầu Nasdaq. Tuần trước, công ty bán dẫn này đã lần đầu tiên vượt qua cột mốc 1.000 tỷ USD vốn hóa.

Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu thuộc S&P 500 cũng đóng cửa ở mức kỷ lục. 

Cổ phiếu Nvidia chính thức rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm hơn 10% kể từ đỉnh lịch sử. 

Tuy nhiên, đi ngược xu hướng tăng của thị trường là nhà sản xuất bán dẫn Nvidia. Cổ phiếu của công ty này đã giảm 1,7% và rơi vào vùng điều chỉnh sau khi mất hơn 10% so với mức đỉnh lịch sử ghi nhận vào tháng 11. 

Nhiều cổ phiếu công nghệ đi lên trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày. Ngân hàng trung ương Mỹ được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (bps), nâng tổng quy mô cắt giảm trong năm nay lên 100 bps và lãi suất quỹ liên bang về ngưỡng 4,25% - 4,5%. 

 

Hiện nhà đầu tư đang chú ý tới các dự báo lãi suất tương lai. “Mỗi quyết định và cuộc họp báo của FOMC đều quan trong, nhưng cuộc họp cuối cùng của năm 2024 có thể là hấp dẫn nhất”, ông Jay Woods, chiến lược gia toàn cầu tại Freedom Capital Markets, cho biết.

“Kể từ lần hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 9, số liệu thất nghiệp đã ổn định”, ông nói thêm. “Tuy nhiên, số liệu lạm phát lại thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Trên thực tế, lạm phát đã tăng qua từng tháng kể từ khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất. Đây chỉ là sự ‘dai dẳng’ hay sự khởi đầu cho một xu hướng mới?”

Trong một diễn biến khác, ngân hàng đầu tư Raymond James cho rằng thị trường hiện nay đã gợi nhớ đến năm 1999 khi chỉ số giá trên thu nhập (P/E) cao, nhà đầu tư toàn cầu đổ xô vào cổ phiếu Mỹ, thị trường lao động thắt chặt và chỉ một số cổ phiếu tăng mạnh, tạo ra bối cảnh giống bong bóng dot-com năm 2000. 

Nhà phân tích Travis McCourt nhận định: "Lịch sử không bao giờ lặp lại, nhưng chắc chắn sẽ có sự tương đồng. Có thể nói cổ phiếu vẫn chưa mang tính đầu cơ như năm 2000. Nhưng chắc chắn cổ phiếu đang có cảm giác rất giống 1999 hay 1998". 

Minh Quang