Chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng khi USD tiếp tục hạ nhiệt
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đi lên mạnh mẽ nhất với tỷ lệ 1,36%, kết phiên ở 12.060 điểm. S&P 500 thêm 0,99% và dừng ở xấp xỉ 3.999 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thêm 162 điểm, ứng với 0,51%, và đóng cửa ở gần 32.037 điểm.
Nasdaq đã tăng ba phiên liên tục, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Tính từ đầu tuần đến nay, chỉ số nặng về công nghệ này đã đi lên 5,3%. Dow Jones và S&P 500 hiện nay cao hơn lần lượt 2,4% và 3,5% so với đầu tuần.
Theo CNBC, nhà đầu tư tiếp tục dồn tiền vào cổ phiếu công nghệ và thúc đẩy đà tăng chung của thị trường trong tuần này. Amazon và Apple cùng thêm 1,5%, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) cũng đóng cửa trong sắc xanh.
USD suy yếu một phần sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, gấp đôi mức 25 điểm mà thị trường dự báo trước cuộc họp. Đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất trong 11 năm qua.
Khi lãi suất ở châu Âu đi lên, nhà đầu tư sẽ bán bớt USD để chuyển sang Euro nhằm hưởng lợi nhuận cao hơn trước, khiến cho USD yếu đi tương đối. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh của Mỹ với 6 loại ngoại tệ mạnh (trong đó có Euro) đã giảm trong khoảng một tuần gần đây.
USD suy yếu là nhân tố tích cực cho cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ vì những doanh nghiệp này có doanh thu lớn từ nước ngoài.
Cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu dẫn dắt đà tăng của chỉ số S&P 500, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Tesla. Cổ phiếu hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk vọt lên 9,8% sau khi thông báo lợi nhuận quý II cao hơn kỳ vọng bất chấp biên lãi gộp đi xuống. Hiện nay giá cổ phiếu Tesla vẫn kém 23% so với đầu năm.
Các chỉ số hiện nay đã tăng đáng kể so với đáy hồi giữa tháng 6, Dow Jones cao hơn 7%, S&P 500 thêm 9% còn Nasdaq tăng hơn 13%. Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư vẫn cho rằng thị trường chưa thực sự tạo đáy do lo ngại số liệu kinh tế suy yếu và áp lực lạm phát cao.
CNBC dẫn lời ông Huw Roberts, Giám đốc phân tích của công ty Quant Insight, nhận định: “Nếu điều kiện tài chính chung tiếp tục thắt chặt theo đà như hiện nay, thì giá trị hợp lý vĩ mô của các cổ phiếu Mỹ sẽ còn đi xuống nữa”.
Chỉ số ngành sản xuất do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) chi nhánh Philadelphia công bố chỉ đạt -12,3 điểm trong tháng 7, tiêu cực hơn nhiều so với mức 1,6 điểm mà Dow Jones dự báo.
Số đơn xin trợ cấp thấp nghiệp trong tuần vừa qua là 251.000, tăng nhẹ so với mức 244.000 của tuần trước đó (số liệu đã hiệu chỉnh). Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.