Chứng khoán Mỹ nhuốm sắc đỏ khi loạt ngân hàng bị hạ xếp hạng, cổ phiếu VinFast ngược chiều xu hướng tăng hơn 100%
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 22/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 175 điểm, tương đương 0,5% xuống còn 34.289 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3%, chốt phiên với 4.388 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng chưa đến 0,1% lên mức 13.506 điểm.
Cổ phiếu của gã khổng lồ bán dẫn Nvidia chốt phiên giảm 2,9%. Công ty dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh trong ngày hôm nay (23/8).
Ngày 21/8, S&P Global đã hạ xếp hạng của 5 ngân hàng khu vực của Mỹ cũng như điều chỉnh triển vọng của nhiều nhà băng khác với lý do điều kiện hoạt động “khó khăn”.
Trong phiên 22/8, lĩnh vực tài chính sụt 0,9%, trở thành nhóm cổ phiếu có kết quả kém nhất trong S&P 500. KeyCorp và Comerica - hai nhà băng vừa bị S&P Global hạ xếp hạng - cùng giảm 4,1%. Cổ phiếu của gã khổng lồ JPMorgan Chase cũng mất 2,1%.
Cổ phiếu của Dick's Sporting Goods và Macy's giảm lần lượt 24% và 14% do dự báo thận trọng cho cả năm, đồng thời kéo SPDR S&P Retail ETF đi xuống. Nike, một trong 30 cổ phiếu thành phần của Dow Jones, cũng tụt hơn 1%, ghi nhận chuỗi giảm giá 9 ngày liên tiếp.
Trái ngược với tâm lý chung trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu của VinFast (VFS) ghi nhận một phiên giao dịch thăng hoa, tăng 108,87% và đóng cửa ở mức 36,72 USD/cp. Trong phiên, có lúc cổ phiếu VFS đã chạm mốc 46,98 USD/cp. Đồng thời, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện, đạt hơn 19 triệu đơn vị, so với mức trung bình khoảng 3,3 triệu đơn vị.
Phố Wall hiện đang tập trung vào thị trường trái phiếu sau khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lên mức cao nhất kể từ năm 2007 vào ngày 21/8. Hiện lợi suất đã giảm nhẹ xuống mức 4,33%.
“Tôi nghĩ rằng [thị trường] đang dao động vì lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đang ở quanh mức cao hồi tháng 10 năm ngoái”, ông Adam Turnquist, chiến lược gia trưởng về phân tích kỹ thuật tại LPL Financial, nhận định.
“Tôi nghĩ việc lợi suất tăng cao hơn sẽ là một dấu hiệu cảnh báo rằng thị trường chứng khoán sẽ giảm thêm đôi chút”, ông nói thêm.
Vị chiến lược gia này cho biết mình không bi quan về cổ phiếu, nhưng cho rằng “chúng ta đang trong giai đoạn thoái trào của thị trường giá lên”. Ông Turnquist cho rằng cổ phiếu công nghiệp sẽ là lựa chọn hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.
Tương tự, bà Victoria Fernandez, Giám đốc chiến lược thị trường của Crossmark Global Investments, cũng kỳ vọng chứng khoán sẽ tiếp tục đi xuống do ảnh hưởng của lợi suất trái phiếu gia tăng và người tiêu dùng trở nên cẩn trọng hơn.
“Tôi nghĩ thị trường sẽ chịu một số tác động khi lợi suất tăng cao. Giờ đây, câu chuyện kết quả kinh doanh đã qua nên câu chuyện vĩ mô [sẽ trở thành yếu tố] chi phối biến động của thị trường”, bà cho hay. “Những câu chuyện vĩ mô tích cực sẽ là con dao hai lưỡi bởi chúng cho Fed biết rằng chính sách tiền tệ chưa đủ chặt chẽ”.