Cổ phiếu vốn hóa lớn đảo chiều, VN-Index bật tăng hơn 10 điểm phiên ATC
Kết phiên, VN-Index tăng 10,47 điểm (1,08%) lên 979,38 điểm; HNX-Index giảm 0,31% xuống 101,66 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26% lên 57,29 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện trong phiên chiều, với tổng khối lượng giao dịch đạt 223,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.990 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 1.503 tỉ đồng.
Lực mua bất ngờ trong phiên ATC, nhất là tại nhóm VN30 khiến chỉ số đảo chiều tăng mạnh. Độ rộng thị trường dần cân bằng hơn về cuối phiên với 271 mã tăng giá, 345 mã giảm giá và 160 mã đóng cửa tại tham chiếu.
Riêng 10 cổ phiếu mạnh nhất đóng góp hơn 7 điểm cho chỉ số, gồm VCB, VIC, VNM, SAB, VHM, VRE, NVL, MSN, TCB và MWG, trong đó nhiều mã đảo chiều từ giảm giá sang tăng giá.
Nhóm ngân hàng ghi nhận sự tích cực tại các mã KLB, EIB, VIB, VCB, STB, TCB, VPB, HDB. Nhóm bất động sản, dầu khí, chứng khoán, cao su, dệt may, khu công nghiệp cũng tích cực hơn về cuối phiên.
Đáng chú ý, nhóm Viettel tiếp tục bùng nổ với CTR tăng 12,1%; VGI 7,6%); VTK (5,1%); VTP (2,2%). Nhóm cảng biển cũng xuất hiện nhiều mã tăng trên 2% gồm DVP, GMD, TCL, HAH, VSC, TMS.
Tính đến 14h00, VN-Index còn giảm 2,37 điểm (0,24%) xuống 966,54 điểm; HNX-Index giảm 0,8% xuống 101,16 điểm; UPCoM-Index tăng 0,23% lên 57,27 điểm.
Nhóm Viettel tiếp tục bứt phá với CTR tăng 10,5%; VTK (5,6%); VGI (5,5%), VTP (2%). Cùng với đó, cổ phiếu cảng biển cũng lần lượt đảo chiều tăng giá như DVP, GMD, HAH, TCL, TMS, VSC, riêng PHP vẫn giảm nhẹ.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm 3,55 điểm (0,37%) xuống 965,36 điểm; HNX-Index giảm 1,08% xuống 100,88 điểm; UPCoM-Index tăng 0,14% lên 57,22 điểm.
Độ rộng thị trường bớt tiêu cực hơn mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế. Toàn thị trường ghi nhận 384 mã giảm giá so với 156 mã tăng giá, còn lại 134 mã tạm dừng tại tham chiếu.
Thanh khoản duy trì ở mức trung bình với khối lượng giao dịch 103,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.264 tỉ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận trên HOSE đạt 454,6 tỉ đồng.
Cổ phiếu "họ Vingroup" đảo chiều giúp thu hẹp đáng kể mức độ giảm điểm của chỉ số, với VIC tăng 1% và VHM tăng 0,6%, riêng VRE giảm 0,3%. Ngược lại, các mã GAS, PLX, BID, HPG, CTG, VJC, TCB, VNM, MSN vẫn tạo áp lực giảm lên thị trường.
Tại nhóm ngân hàng, cổ phiếu KLB bật tăng 8,5%, VIB cũng tăng 2,9%, trong khi hầu hết các mã còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ. Các nhóm bất động sản, dầu khí, thủy sản, dệt may, khu công nghiệp tiếp tục chịu áp lực bán mạnh.
Đáng chú ý, nhóm Viettel ngược dòng bứt phá với CTR tăng 6,8%; VTK (2,9%); VGI (2,3%); VTP (1,2%).
Tính đến 10h40, VN-Index còn giảm 3,43 điểm (0,35%) xuống 965,75 điểm; HNX-Index giảm 0,67% xuống 101,3 điểm; UPCoM-Index tăng 0,26% lên 57,29 điểm.
Sau những phút áp lực đầu phiên, thị trường đã giao dịch ổn định trở lại. Đà giảm của các chỉ số được thu hẹp đáng kể, đặc biệt UPCoM-Index lấy lại được sắc xanh nhờ sự tích cực của nhóm Viettel.
Một số cổ phiếu nhóm VN30 đảo chiều bật tăng như REE, PNJ, GMD, VHM, FPT, NVL. Đáng chú ý, cổ phiếu GAB lộn ngược dòng tăng kịch trần lên 15.050 đồng/cp và dư mua hơn 300.000 đơn vị.
Tính đến 9h30. VN-Index giảm 9,88 điểm (1,02%) xuống 959,03 điểm; HNX-Index giảm 0,83% xuống 101,13 điểm; UPCoM-Index giảm 0,53% xuống 56,84 điểm.
Nhóm VN30 có tới 28 mã giảm giá, hai mã giữ được giá tham chiếu và không có mã nào tăng giá. Trong đó, các cổ phiếu VIC, VCB, GAS, VHM, VNM, PLX, CTG, BID, VPG, VRE, MSN là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm.
Các nhóm ngân hàng chìm trong sắc đỏ với các mã HDB, VPB, TCB, SHB, CTG, EIB, VCB, MBB, BID, STB, ACB, TPB, VIB.
Tương tự, các nhóm dầu khí, bất động sản, chứng khoán, dệt may, thủy sản, cao su, cảng biển cũng chịu áp lực bán ngay từ phiên. Đáng chú ý, cổ phiếu QCG ngược dòng tăng kịch trần lên 5.080 đồng/cp.
Trong nhóm Viettel, cổ phiếu CTR cũng ngược dòng tăng 4,5% lên 58.500 đồng/cp, trong khi các mã VGI, VTK, VTP đều giảm giá. Nhóm phát triển khu công nghiệp tiếp tục chứng kiến sự điều chỉnh tại các mã SNZ, TIP, BCM, SZL, VRG, SZC, ITA, KBC, SIP, D2D.
Cổ phiếu GAB tiếp tục giảm sàn phiên thứ hai xuống còn 13.150 đồng/cp, hiện dư mua gần 200.000 đơn vị.
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 14/8 đồng loạt lao dốc, chỉ số Dow Jones có phiên tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2019 sau khi thị trường trái phiếu phát đi tín hiệu nền kinh tế Mỹ có thể sắp rơi vào suy thoái.
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa giảm 800,49 điểm (3,05%) xuống còn 25.479,42 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 2,93% và đóng cửa ở 2.840,60 điểm và Nasdaq Composite giảm 3,02%, kết phiên ở 7.773,94 điểm.