|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp

07:38 | 16/03/2024
Chia sẻ
Sau một loạt dữ liệu kinh tế nóng hơn dự kiến, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 15/3, chỉ số S&P 500 mất 0,65% và đóng cửa ở mức 5.177 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 191 điểm, tương đương 0,49% và chốt phiên với 38.715 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,96% xuống 15.973 điểm. 

Cả ba chỉ số chính đều giảm điểm trong tuần thứ hai liên tiếp.

Trong tuần vừa qua, S&P 500 đã giảm 0,13%, Dow Jones mất 0,02% trong khi Nasdaq Composite tụt tới 0,7%. Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đã ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp. Mặc dù đi xuống nhưng trong tuần qua, có lúc S&P 500 đã lên đỉnh lịch sử.

Nhóm ngành công nghệ tiếp tục có một phiên giao dịch khó khăn. Cổ phiếu Amazon và Microsoft lần lượt giảm hơn 2%. Cổ phiếu Apple và Alphabet (Google) cũng đi xuống. 

Gã khổng lồ bán dẫn Nvidia đã gặp nhiều khó khăn trong tuần này khi thị trường lo lắng về định giá cổ phiếu này. Chốt phiên 15/3, cổ phiếu này giảm nhẹ nhưng vẫn tăng khoảng 0,4% trong tuần qua. 

Sau khi xuống dưới ngưỡng 5 USD trong hai phiên liên tiếp, cổ phiếu VinFast đã tăng 2,66% lên 5,02 USD/cp. Với kết quả trên, vốn hóa công ty đã tăng lên mức 11,7 tỷ USD. 

Nhóm cổ phiếu công nghệ đã tụt sâu nhất trong chỉ số S&P 500.

Các nhà đầu tư vẫn đang hết sức cảnh giác sau một loạt dữ liệu kinh tế mới. Cả chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đều vượt qua dự báo của các nhà kinh tế. Trong đó, PPI so với cùng kỳ năm trước đã lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2023.

Dữ liệu này đã giúp đẩy trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên 4,308%, mức cao nhất trong khoảng 3 tuần qua. Thị trường đang tự hỏi liệu dữ liệu kinh tế gần đây có quá nóng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chính sách tiền tệ hay không. Fed sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào 19/3. 

Lợi suất trái phiếu đang ở mức cao nhất kể từ ngày 22/2. 

Theo chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu Thierry Wizman tại Macquarie, các báo cáo kinh tế gần đây có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu Fed đã cảm thấy lạm phát hạ nhiệt đủ hay chưa và có thể khiến lãi suất trong dài hạn tăng lên.

Ông Wizman nói: “Tôi nghĩ vấn đề ở đây không chỉ là [biểu đồ chấm - dot plot] cho năm 2024 và 2025, mà còn là những vấn đề khác mà Fed đang xem xét, bao gồm cả việc thị trường quá nóng. Vì lý do đó, Fed có thể cho rằng lãi suất dài hạn cần cao hơn”. 

Hiện thị trường tương lai đang định giá 99% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tuần tới, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Minh Quang