|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ mất điểm sau báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến

07:10 | 15/03/2024
Chia sẻ
Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đi xuống sau khi báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI) cao hơn dự kiến kéo lợi suất trái phiếu đi lên.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 14/3, chỉ số Dow Jones giảm 138 điểm, tương đương 0,35% và đóng cửa ở mức 38.906 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,29% và chốt phiên với 5.150 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống 16.129 điểm. 

 

Theo báo cáo mới công bố, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 2, thước đo lạm phát bán buôn, đã tăng 0,6% so với tháng trước. Các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo PPI chỉ tăng 0,3%. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này đi lên 1,6%, đánh dấu mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2023.

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PPI lõi tháng 2 nhích 0,3% so với tháng trước. Kết quả này cũng cao hơn dự báo 0,2% của các nhà kinh tế.

Hai ngày trước đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 được công bố cũng cao hơn so với kỳ vọng.

Cả CPI và PPI tháng 2 đều tăng nóng hơn dự kiến.

“Câu hỏi hiện giờ là liệu các nhà đầu tư có suy nghĩ lại về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và liệu điều này có làm chậm đà tăng của thị trường chứng khoán hay không”, ông Chris Larkin, Giám đốc điều hành giao dịch và đầu tư tại E-Trade, cho biết. 

Báo cáo lạm phát nóng hơn dự kiến khiến lợi suất trái phiếu tăng lên. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã vọt lên mức 4,292% vào cuối ngày 14/3 (giờ địa phương), cao nhất kể từ cuối tháng 2.

Lợi suất trái phiếu kho bạc đi lên sau báo cáo PPI tháng 2.

“Câu hỏi đặt ra là liệu lợi suất có còn tăng cao hơn nữa không và nếu điều này xảy ra thì thị trường có gặp nhiều bất lợi hơn không? Tôi nghĩ là có cả hai khả năng”, ông Thierry Wizman, chiến lược gia tỷ giá và ngoại hối toàn cầu tại Macquarie, nhận định.  

Báo cáo PPI là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng được công bố trước thềm cuộc họp chính sách ngày 19 - 20/3 của Fed. Hiện thị trường dự báo gần như chắc chắn rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này và phải đến tháng 6 mới bắt đầu đảo chiều.

Trong phiên giao dịch ngày 14/3, các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu một số công ty công nghệ lớn như Apple và Microsoft. Tuy nhiên, cổ phiếu của gã khổng lồ bán dẫn Nvidia đã giảm 4 trong 5 phiên giao dịch gần nhất, tụt hơn 3%. 

Cổ phiếu Nvidia đã đi xuống trong 4/5 phiên gần nhất. 

Cổ phiếu của nền tảng giao dịch Robinhood tăng 5% sau khi công ty báo cáo lượng tài sản được lưu ký trong tháng 2 tăng 16% so với tháng trước. 

Cổ phiếu VinFast (VFS) tiếp tục đà giảm và tụt thêm 1,81% xuống 4,89 USD/cp, tương ứng vốn hóa 11,4 tỷ USD. Kết quả này đưa cổ phiếu VinFast xuống gần với mức đáy là 4,8 USD/cp từng được ghi nhận vào cuối tháng 10/2023.

Cổ phiếu một công ty xe điện khác là Fisker lao dốc gần 52% sau khi Wall Street Journal đưa tin công ty này đã thuê các cố vấn tái cơ cấu để chuẩn bị cho khả năng nộp đơn phá sản.

 

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.