|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ bước vào thị trường giá lên bất chấp Fed và nguy cơ suy thoái: Những kẻ ngốc đang tự lừa dối mình?

14:08 | 19/06/2023
Chia sẻ
Chứng khoán Mỹ đã thoát khỏi thị trường gấu để bước vào thị trường giá lên, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng nhà đầu tư đang quá lạc quan và có thể sẽ phải chịu nỗi đau lớn.

(Hình minh họa: MarketWatch). 

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có những bước tiến mạnh mẽ trong năm 2023 bất chấp các chuyên gia liên tục cảnh báo rằng nền kinh tế đang trên bờ vực suy thoái.

Kết phiên 16/6/2022, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 3.666,77 điểm, bị vùi dập bởi lạm phát dai dẳng, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị.

Đến ngày 16/6/2023, S&P 500 đóng cửa với 4.409,59 điểm, đánh dấu mức tăng khoảng 20% so với một năm trước bất chấp sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực và Fed tiếp tục chiến đấu với lạm phát. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 15%, Dow Jones đi lên 3,5% còn Nasdaq thì nhảy vọt 30,8%.

Song, các chuyên gia cảnh báo rằng thị trường sẽ ngã đau sau đà chạy nước rút gần đây. Bà Amanda Agati, Giám đốc đầu tư tại PNC Financial Services Asset Management Group, nhận xét: “Các nhà đầu tư đang hành xử như thể họ bị ảo tưởng. Những gì đang diễn ra rất có thể là quãng chạy cuối cùng trước khi thị trường kiệt sức và ngã nhào”.

S&P 500 bước vào thị trường giá lên

Vào cuối tháng 5, thỏa thuận trần nợ của Mỹ và kết quả kinh doanh ngoạn mục của nhà sản xuất chip Nvidia đã kéo các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn đi lên, giúp chứng khoán Mỹ bứt phá.

Đến tháng 6, chỉ số S&P 500 tiến vào thị trường giá lên (hay còn gọi là thị trường bò tót - bull market), tăng 20% so với đáy thiết lập hồi tháng 10 năm ngoái. Kết phiên 15/6, S&P 500 đóng cửa ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

 

Gần đây, độ rộng của thị trường chứng khoán Mỹ đã được cải thiện. Cuộc phục hồi của chỉ số S&P 500 không chỉ còn bó buộc quanh các cổ phiếu công nghệ mà đã mở rộng sang những bộ phận khác trong thị trường, bao gồm lĩnh vực công nghiệp, vật liệu và tài chính.

Đây là dấu hiệu đáng khích lệ với những nhà đầu tư lo ngại rằng đà tăng của S&P 500 trong năm nay chủ yếu được định đoạt bởi một số ít cổ phiếu công nghệ siêu lớn.

Ở diễn biến khác, chốt phiên 15/6, giá cổ phiếu Apple đã leo lên đỉnh mới, tiết sát tới cột mốc vốn hóa 3.000 tỷ USD. Apple đã tăng 42% kể từ đầu năm.

Ông Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, kỳ vọng cổ phiếu Apple sẽ chạm mức giá mục tiêu 240 USD/cp vào mùa hè năm sau và công ty sẽ đạt được vốn hóa 4.000 tỷ USD trước năm 2025.

Các yếu tố tích cực cho Apple bao gồm cơn sốt xoay quanh trí tuệ nhân tạo và tiềm năng về một mẫu iPhone mới gây chấn động thị trường. Ông khẳng định: “Apple là cổ phiếu công nghệ đáng sở hữu nhất, mặc cho triển vọng của nền kinh tế có hơi mập mờ”.

Cổ phiếu Microsoft cũng đã phá kỷ lục về mức giá đóng cửa cao nhất vào ngày 15/6, ở mức 348,1 USD/cp.

 

Thử thách tiếp theo

Bất chấp một số dấu hiệu tích cực, các chuyên gia nói rằng đà tăng của thị trường sẽ không thể kéo dài, đặc biệt là bởi suy thoái đang nhăm nhe tiến đến. Dù độ rộng thị trường đã được cải thiện, chủ yếu mức tăng của thị trường vẫn đến từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn.

Ông Richard Steinberg, Giám đốc đầu tư tại The Colony Group, bình luận: “Định giá của một số cổ phiếu đã được nâng lên quá cao, giống như Icarus mộng tưởng chinh phục bầu trời rồi phải trả giá bằng mạng sống”.

Theo giám đốc Agati của PNC, thử thách kế tiếp của chứng khoán Mỹ sẽ là quyết định lãi suất tiếp theo của Fed. Bà cho biết: “Chúng tôi dự đoán Fed sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa trong tháng 7, và đó có thể là chất xúc tác tạo ra một cuộc điều chỉnh trên thị trường”.

Fed "diều hâu" cũng không cản nổi thị trường

Tại cuộc họp chính sách tuần trước, Fed đã giữ nguyên lãi suất nhưng báo hiệu rằng các quan chức có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay. Nhà đầu tư gần như đã mặc kệ thông điệp này, và thị trường tiếp tục đi lên trong những ngày tiếp theo.

Đến ngày 16/6, Thống đốc Fed Christopher Waller và Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond là ông Thomas Barkin phát biểu rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần tăng lãi suất nhiều hơn để khuất phục lạm phát.

Ông Waller phát biểu tại sự kiện ở Oslo: “Chúng tôi nhận thấy lãi suất chính sách đang tạo ra tác động trong một số bộ phận của nền kinh tế. Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, nhưng lạm phát lõi vẫn không suy chuyển. Điều này đòi hỏi Fed phải thắt chặt chính sách hơn nữa”.

Những bình luận cứng rắn của giới chứng Fed khiến các nhà đầu tư e sợ và thị trường đi xuống. Nhưng tính trong cả tuần, cả ba chỉ số chứng khoán chính đều có tuần giao dịch thành công.

Bà Sarah Henry, nhà quản lý danh mục tại Logan Capital Management, cho biết có hai lý do giúp thị trường tiếp tục đi lên trong tuần vừa qua mặc cho Fed thể hiện quan điểm diều hâu.

Thứ nhất, Phố Wall đã thống nhất rằng giữa một hoặc hai lần tăng lãi suất bổ sung cũng không có nhiều sự khác biệt.

Dù Fed có tăng lãi suất thêm một, hai lần nữa thì chúng cũng không quan trọng bằng những đợt tăng lãi suất mà thị trường đã chứng kiến.

Hơn nữa, một loạt dữ liệu kinh tế tích cực gần đây đã thuyết phục nhà đầu tư rằng nếu nền kinh tế có sa sút thì cuộc suy thoái cũng sẽ không nghiêm trọng và sẽ sớm kết thúc. Các dữ liệu đó bao gồm báo cáo thị trường lao động tháng 5 mạnh mẽ và sự hạ nhiệt của lạm phát giá tiêu dùng tháng 5.

Khảo sát của Đại học Michigan cũng cho thấy rằng kỳ vọng lạm phát năm 2023 của người tiêu dùng đã đi xuống trong tháng thứ hai liên tiếp, giảm còn 3,3% vào đầu tháng 6 từ mức 4,2% hồi tháng trước.

Ông Paul Eitelman, Giám đốc đầu tư khu vực Bắc Mỹ tại Russell Investments, cảnh báo rằng các nhà đầu tư có thể đang quá tự mãn. Ông nói tiếp: “Thông điệp Fed đang phát đi nên khiến thị trường chứng khoán trở nên cẩn trọng”.

Giang

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.