Tình cảnh trớ trêu không NHTW nào muốn mắc phải như Fed hiện giờ
Vị trí không ai muốn ngồi
Những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sau sự sụp đổ của ba nhà băng khu vực hồi đầu năm nay là nguyên nhân khiến một số quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) muốn giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tuần này, dù nền kinh tế và lạm phát không chậm lại như mong đợi.
Fed không tin một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, bởi những rắc rối gần đây chỉ mang tính cục bộ của ba ngân hàng. Song, các cựu và quan chức ngân hàng trung ương (NHTW) hiện tại cho biết nếu căng thẳng leo thang, Fed sẽ phải đối mặt với một sự đánh đổi khó khăn.
Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ phải lựa chọn giữa việc tập trung giúp đỡ những ngân hàng gặp trục trặc hoặc tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát, Wall Street Journal (WSJ) cho hay.
“Fed đang ở giữa hai lựa chọn khó nhằn”, ông Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, nhận xét. “Họ sẽ bị chỉ trích nếu tăng mạnh lãi suất và tạo thêm áp lực cho các ngân hàng, nhưng cũng sẽ bị chửi rủa nếu không làm vậy mà để mặc lạm phát gia tăng”.
Thời điểm hiện tại không ưu ái Fed. Nếu lạm phát ăn sâu vào tâm lý công chúng, tự tồn tại mà không cần động lực thúc đẩy, Fed có thể sẽ buộc phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cảnh báo: “Nếu lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng, chúng tôi có thể giảm lãi suất, không trong năm nay thì vào đầu năm sau.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nếu lạm phát cao dai dẳng và ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế hơn, tôi nghĩ những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng có thể sẽ trở nên nghiêm trọng hơn”.
Nguyên tắc tách biệt
Trong đại dịch, Fed đã duy trì lãi suất ở mức rất thấp và mua hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Kho bạc. Chính phủ cũng bơm thêm tiền để kích thích nền kinh tế. Nhờ đó, tiền gửi ồ ạt chảy vào các ngân hàng trong năm 2021.
Khi lạm phát chạm mốc 9% vào năm 2022, ông Powell đã đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Trong vòng một năm đến tháng 2/2023, Fed đã nâng lãi suất thêm 450 điểm cơ bản (bps) - nhanh hơn bất kỳ chu kỳ nào trong 40 năm qua.
Các cơ quan giám sát không sớm phát hiện ra rằng lãi suất tăng cao đã tạo ra chênh lệch nguy hiểm giữa tài sản (chứng khoán nợ và danh mục cho vay) và khối nợ của các ngân hàng (tiền gửi cùng các khoản đi vay với lãi suất cao).
Điều đó đã kích hoạt làn sóng rút tiền gửi tại Silicon Valley Bank (SVB) vào tháng 3. Fed và các cơ quan quản lý phản ứng bằng cách bảo đảm toàn bộ tiền gửi tại SVB cùng các ngân hàng gặp rắc rối khác. Họ cũng cho các nhà băng vay với điều khoản có lợi, bơm tiền trở lại nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát còn quá cao, Fed đã tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng 3 và đầu tháng 5. Chi phí đi vay liên ngân hàng hiện nằm trong khoảng 5 - 5,25%.
Theo WSJ, NHTW Mỹ đã sử dụng nguyên tắc tách biệt (separation principle). Họ sử dụng các chương trình cho vay khẩn vay và công cụ điều tiết khác để ổn định hệ thống tài chính, để có thể áp dụng chính sách tiền tệ (chủ yếu qua lãi suất) để chống lạm phát.
Dù các công cụ cho vay khẩn cấp của Fed giúp ngăn chặn hiện tượng rút tiền gửi, chúng lại không thể giải quyết những rắc rối tiềm ẩn của nhiều ngân hàng khu vực và tầm trung.
Khả năng tồn tại lâu dài của các định chế tài chính này bị đe doạ nếu chi phí đi vay liên ngân hàng tăng mạnh và buộc họ phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản tiền gửi của khách hàng.
Chưa kể, nhiều ngân hàng còn đang phải đối mặt với các khoản lỗ chưa thực hiện lớn sau khi mạnh tay mua trái phiếu Kho bạc vào năm 2021. Theo ước tính của Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), tính đến cuối tháng 3, giá trị các khoản lỗ này là khoảng 515 tỷ USD.
Con số đó có thể nhảy vọt lên trên 1.000 tỷ USD nếu tính gộp số lỗ đối với các khoản cho vay thế chấp nhà ở và những hạng mục cho vay mà nhiều ngân hàng cấp trong giai đoạn lãi suất gần mức 0.
Số tiền mà các nhà băng vay từ chương trình hỗ trợ khẩn cấp của Fed vẫn ở mức cao và chỉ số chứng khoán đại diện cho các ngân hàng khu vực đã giảm 19% trong năm nay.
Các cuộc khảo sát cho thấy nhiều ngân hàng đang tiếp tục thắt chặt tiêu chuẩn cho vay khi chi phí huy động vốn tăng lên và họ có thể sẽ bị cơ quan quản lý giám sát nghiêm ngặt hơn.
Tình trạng thắt chặt tín dụng (credit crunch) ban đầu có thể giúp Fed bằng cách làm chậm nền kinh tế và giảm bớt áp lực giá cả, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể giảm sút, vượt ngoài tầm kiểm soát của NHTW Mỹ.
Tăng lãi suất trong tình huống này giống như bóp liên tục vào chai tương ớt - lúc đầu không có gì chảy ra, sau đó cả đống tương ớt đột ngột trào ra và trong chai không còn gì.
Tình trạng thắt chặt tín dụng có thể ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nhỏ. Các ngân hàng có tài sản dưới 250 tỷ USD hiện chiếm khoảng 70% tổng khoản cho vay tới các công ty có ít hơn 100 nhân viên.
Từng là quan chức cấp cao thuộc Bộ Tài chính hồi năm 2008, ông Kashkari nhận thấy “chưa hẳn những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng đã kết thúc”.
Đánh đổi cái nào?
Trong bối cảnh lạm phát còn cao, tăng trưởng việc làm và chi tiêu tiêu dùng đều mạnh, Fed có thể phải tăng lãi suất tại cuộc họp tuần này. Song, khả năng các ngân hàng hạn chế cho vay lại đưa ra lý do để Fed tạm dừng tay.
Ông Randal Quarles, Phó Chủ tịch Fed từ năm 2017 đến 2021, cho biết mặc dù lãi suất cao hơn là nguyên nhân trực tiếp khiến các ngân hàng thua lỗ, hạ lãi suất ngắn hạn để giảm áp lực lên các nhà băng sẽ gây tác dụng ngược.
Đó là bởi vì nếu lạm phát không giảm, các nhà đầu tư có thể yêu cầu lợi suất cao hơn để nắm giữ các khoản nợ trung và dài hạn để bù đắp cho rủi ro lạm phát làm xói mòn sức mua của họ.
Điều này sẽ đặc biệt có hại cho các ngân hàng vốn phụ thuộc vào nhiều nợ trung hạn. “Nếu Fed không khống chế được lạm phát, họ sẽ gặp vấn đề tiết kiệm và cho vay này nhiều lần”, ông Quarles cảnh báo, hàm ý về sự sụp đổ của hàng trăm tổ chức tài chính trong thập niên 1980, 1990.
Chia sẻ tại một hội thảo tháng trước, Chủ tịch chi nhánh St. Louis James Bullard cảnh báo nếu không kiểm soát được lạm phát, “Fed sẽ phải mạnh tay hơn trong tương lai, như những gì Paul Volcker đã làm vào cuối những năm 1970, đầu 1980”.
Số khác thì lo lắng rằng nếu tăng lãi suất quá cao, Fed có thể sẽ buộc phải hạ lãi suất khi cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng xấu đi, gây bối rối cho thị trường và công chúng.
Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee cho biết việc tăng lãi suất vào tháng 5 là một quyết định khó khăn vì các quan chức không rõ các ngân hàng sẽ siết chặt hoạt động cho vay như thế nào sau những hỗn loạn vừa qua.
Ông Quarles nói thế bế tắc của Fed sẽ gây thêm nhiều khó khăn cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác. “Họ đang bám víu vào vách đá vì nghĩ rằng lãi suất sắp sửa đi xuống”, ông bày tỏ.