Chứng khoán Mỹ bước vào mùa kết quả kinh doanh thê thảm nhất trong 12 năm giữa nỗi lo về COVID-19
Dữ liệu tổng hợp từ các nhà phân tích của Refinitiv cho thấy EPS (thu nhập trên một cổ phần) ước tính của các công ty thuộc S&P 500 lao dốc 44% trong quí II/2020. Kể từ quí IV/2008, đây là lần đầu tiên EPS giảm mạnh đến vậy.
Theo CNBC, quí II/2020 cũng được dự đoán là giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng COVID-19, cho thấy mức độ thiệt hại tới lợi nhuận doanh nghiệp trong bối cảnh GDP Mỹ được dự báo giảm hơn 30%.
JPMorgan, Bank of America, Goldman Sachs và Wells Fargo nằm trong số những tổ chức tài chính công bố kết quả kinh doanh sớm nhất. PepsiCo sẽ khởi đầu tuần mới bằng việc cung cấp báo cáo tài chính vào ngày 13/7.
Theo Refinitiv, lợi nhuận của ngành tài chính được dự đoán sẽ giảm tới 52%.
Bà Lindsey Bell, Giám đốc đầu tư tại Ally Invest cho biết: "Doanh nghiệp sắp sửa cho chúng ta thấy quí tồi tệ nhất kể từ Đại Suy thoái 2008. Nhưng vì rất nhiều doanh nghiệp không cung cấp dự báo thu nhập, nhà đầu tư sẽ phải hành động dựa vào cả những con số khác. Nhà đầu tư cũng sẽ xem xét đến các xu hướng diễn ra sau khi quí II kết thúc".
"Ca nhiễm COVID-19 gia tăng, triển vọng quản lí, biến động giá cổ phiếu đều có thể tạo ra tác động đáng kể, dẫn tới những biến động lớn trên thị trường".
Chứng khoán Mỹ tuần trước có phiên giảm sâu khi nhà đầu tư lo ngại dịch COVID-19 xấu đi và gây hại tới nền kinh tế nhưng cũng có phiên đi lên dù số ca nhiễm mới tăng cao kỉ lục. Tính chung trong cả tuần, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0,96%, 1,76% và 4,01%.
Nhà đầu tư Mỹ sẽ đón nhận một số báo cáo kinh tế quan trọng trong tuần này, bao gồm chỉ số CPI và doanh số bán lẻ. Tháng trước, doanh số bán lẻ tăng sốc 17,7%, nhưng các nhà kinh tế đang theo dõi sát sao liệu việc một số bang tạm hoãn hoặc đảo ngược lại quá trình mở cửa kinh tế có tác động tới chi tiêu tiêu dùng hay không.
Tuy nhiên, lợi nhuận mới là phép thử lớn nhất cho thị trường.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Adivsory Group cho biết: "Tôi nghĩ yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất vẫn là lợi nhuận, chứ không phải những con số trong tương lai sẽ như thế nào. Mọi người không quan tâm tới các con số. Họ muốn nghe những gì doanh nghiệp nói".
"Lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ là quan trọng nhất, ví dụ doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn dùng trong ô tô, máy tính và điện thoại di động. Họ phải nói được rằng triển vọng của chúng tôi rất tuyệt vời, do đó cổ phiếu của chúng tôi xứng đáng với mức đỉnh lịch sử", ông Boockvar nói.
Trong tuần vừa qua, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq đã lập đỉnh lịch sử mới và có tỉ suất sinh lời vượt trội so với chỉ số S&P 500.
Theo Refinitiv, dự kiến lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ sẽ chỉ giảm khoảng 8%. Năng lượng sẽ là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất khi lợi nhuận lao dốc 154%, theo sau bởi ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, ước tính lợi nhuận giảm 114% (mức giảm trên 100% tức là chuyển từ lãi thành lỗ).