Chứng khoán Mỹ 30/10: Dow Jones bật tăng hơn 400 điểm trong ngày Halloween
Chứng khoán Mỹ 29/10: Giảm nhẹ trước áp lực căng thẳng Mỹ - Trung và nhóm cổ phiếu công nghệ |
Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng hơn 1,5% lên 2.682,63 điểm sau khi các nhóm cổ phiếu viễn thông, năng lượng và vật liệu đi lên, kéo chỉ số ra khỏi vùng điều chỉnh. Cổ phiếu của các hãng như Charter Communications, DISH Network và Twitter đều tăng trên 4%.
Chỉ số Dow Jones tăng 431,72 điểm và đóng cửa ở 24.874,64 điểm. Các cổ phiếu Goldman Sachs, McDonald’s và Boeing tăng vượt trội so với chỉ số gồm toàn bluechip này.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng hơn 1,5% và đóng cửa ở 7.161,65 điểm nhờ cổ phiếu Intel tăng 5,2%, Comcast (công ty mẹ của CNBC) tăng 4,7%, ngược lại Amazon giảm 0,5%.
Biến động thị trường chứng khoán Mỹ phiên 30/10. Nguồn: Bloomberg |
Trước đó, thị trường chứng khoán có phiên giao dịch đầu tuần 29/10 không mấy khả quan với các chỉ số chính cùng giảm sút. Chỉ số Dow Jones biến động hơn 900 điểm trong phiên thứ Hai. Các nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cổ phiếu công nghệ tiếp tục giảm sâu và lãi suất có thể tăng cao hơn.
Sau phiên hồi phục 30/10, chỉ số Dow Jones giảm 5,9% trong tháng này khiến đây vẫn là tháng diễn biến tiêu cực nhất kể từ tháng 8/2015. Chỉ số S&P 500 giảm 7,9% trong tháng, giảm sâu nhất kể từ tháng 5/2010. Phiên 29/10, chỉ số S&P 500 đóng cửa trong vùng điều chỉnh, giảm 10,2% so với đỉnh thiết lập trước đó.
Ông Bruce Bittles, giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty quản lý tài sản Baird nhận định: “Rõ ràng chúng ta đang trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường chứng khoán và tôi nghĩ các nhà đầu tư phải nhận ra điều này. Môi trường tiền tệ đã thay đổi. Thị trường cổ phiếu biến động 10% nhưng lãi suất gần như không giảm xuống”.
Ông nói thêm: “Thông thường thị trường giá lên thường có quy mô toàn cầu và câu hỏi đặt ra ở đây là: thị trường Mỹ đi theo thế giới hay thế giới đi theo thị trường Mỹ? Tôi nghĩ chúng ta đã tìm ra câu trả lời”.
Dù gần đây thị trường bị bán tháo mạnh, chứng khoán Mỹ vẫn diễn biến tốt hơn đa số các chỉ số chứng khoán nước ngoài trong năm 2018. Ở Châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 đã giảm 8% tính từ đầu năm tới nay. Ở Châu Á, chỉ số Shanghai Composite đã sụt 24% so với đỉnh hồi tháng 1. Hôm 30/10, chỉ số chính của Trung Quốc này tăng 1%.
Dù diễn biến trong tháng 10 nhìn chung đi xuống, trong quá khứ đã có nhiều trường hợp thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh mẽ sau một tháng tiêu cực, tương tự như phiên 30/10 vừa qua.
Cụ thể, theo số liệu từ năm 1952 đến nay do Bespoke Investment Group tính toán, khi chỉ số S&P 500 giảm 8% hoặc nhiều hơn khi còn hai phiên giao dịch nữa là hết tháng, thì 80% khả năng là chỉ số này sẽ hồi phục trong hai phiên cuối tháng đó với tỉ lệ tăng trung bình 2,75%.