Chứng khoán châu Á đỏ lửa, Nikkei mất hơn 500 điểm sau lời đe dọa áp thuế của ông Trump
Đến giữa phiên sáng, tại thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite sụt 1,55%, chỉ số Shenzhen Composite mất 2,13%.
Tại Hong Kong, Hang Seng Index mất 2,29% (tương đương 632 điểm), trong đó cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Tencent mất 2,86%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,36%, tương đương mất hơn 500 điểm; trong đó cổ phiếu của hãng sản xuất robot Fanuc sụt 3,62%. Đây là cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn khi tính toán chỉ số Nikkei. Chỉ số Topix cũng mất 1,93%.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 0,89%.
Biến động chỉ số chứng khoán châu Á sáng 2/8. Nikkei đã giảm hơn 500 điểm, Hang Seng mất hơn 632 điểm. Nguồn: CNBC
Ở Australia, chỉ số &P/ASX 200 giảm 0,47%. Nước này cũng vừa công bố tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ tháng 6 nhanh nhất trong 4 tháng gần đây. Chỉ số MSCI châu Á ngoại trừ Nhật Bản giảm 1,45%.
Tại Việt Nam, tính đến 10h30 sáng nay, chỉ số VN-Index đã giảm 10 điểm (tương đương 1%) xuống còn 987,4 điểm, HNX-Index giảm 0,91% xuống còn 102,93 điểm và UPCoM-Index giảm 0,82%.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung
Ít giờ trước thông qua tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông sẽ áp thêm thuế suất 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
"Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục được thực hiện và trong khi đàm phán diễn ra, từ ngày 1/9, Mỹ sẽ bắt đầu áp thêm một mức thuế nhỏ là 10% lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại được nhập khẩu vào Mỹ", ông Trump tuyên bố trên Twitter.
Trước đó Mỹ đã áp thuế suất 25% lên 250 tỉ USD hàng hóa khác từ Trung Quốc. Như vậy sắp tới, toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ bị áp thuế quan bổ sung, tỉ lệ từ 10 đến 25%.
Thông báo này được ông Trump đưa ra sau khi phái đoàn đàm phán Mỹ gặp các quan chức Trung Quốc ít ngày trước. Đây là cuộc đàm phán thương mại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước sau khi Mỹ-Trung nhất trí ngừng leo thang căng thẳng thương mại tại Thượng đỉnh G20, hồi cuối tháng 6 tại Nhật Bản.
CNBC dẫn lời ông Tapas Strickland – chuyên gia kinh tế tại National Australia Bank nhận định: "Hiện không rõ vì lí do gì mà ông Trump lại bất ngờ leo thang căng thẳng trong cuộc chiến tranh thương mại. Nhưng đây là điềm xấu cho nền kinh tế toàn cầu vì có vẻ ông Trump đã quyết định chơi "tất tay" và đang hi vọng Trung Quốc sẽ nhượng bộ trước áp lực của ông và đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ".
Ông Strickland cho rằng trong kịch bản này, "không thể có chuyện Trung Quốc nhường bước mà không mất mặt vì tuyên bố của ông Trump đi ngược lại với yêu cầu trọng tâm của phía Trung Quốc là chân thành và gỡ bỏ thuế quan hiện có".
"Có thể Trung Quốc sẽ đáp trả bằng các biện pháp phi thuế quan khiến căng thẳng thêm leo thang, hoặc nước này có thể tăng cường các gói kích thích để hạn chế tác động tiêu cực".