|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuẩn bị mở cửa trở lại, TP HCM đã đạt những tiêu chí kiểm soát nào?

12:19 | 15/09/2021
Chia sẻ
TP HCM mới chỉ đạt được hai trong số 4 tiêu chí trong bản dự thảo trở lại trạng thái bình thường mới của Bộ Y tế, số ca mắc cộng đồng vẫn tăng trong hai tuần.

Sau hơn 100 ngày thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM đã có những tiến triển nhất định, song những điểm tích cực ấy vẫn chưa đủ để đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

Trước đó, trong văn bản hỏa tốc lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các bộ, ngành, UBND TP HCM mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra các tiêu chí tiên quyết, tiêu chí động và nguyên tắc mở cửa kinh tế TP HCM theo 4 bước.

Các tiêu chí được đưa ra gồm tiêu chí kiểm soát dịch bệnh (số ca nhiễm), tỷ lệ gường ICU, tỷ lệ tiêm vắc xin và mức độ nguy cơ. Trong đó, TP HCM đã đạt được hai tiêu chí về tỷ lệ tiêm vắc xin và giường ICU.

Số ca mắc COVID-19 cộng đồng giảm liên tục trong hai tuần

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêu chí tiên quyết là số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với hai tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch.

Trong 7 ngày gần đây, tính từ 8/9 đến ngày 14/9, TP HCM ghi nhận tổng cộng 43.971 ca mắc COVID-19 mới. Trong 7 ngày tính từ 1/9 đến 7/9, số ca mắc cộng dồn là 44.322 trường hợp. 7 ngày tính từ 25/8 đến 31/8, thành phố ghi nhận 36.382 trường hợp.

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Dựa vào phân tích số ca mắc COVID-19 trong ba tuần gần đây, số trường hợp tại TP HCM vẫn chưa có chiều hướng giảm. Trong khi đó, tuần ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tính đến ngày 14/9 là trong khoảng thời gian từ ngày 2/9 đến 8/9 ghi nhận tổng cộng 46.262 ca. 

Trung bình số ca mắc trong ngày là 7.308 ca, cao nhất là vào ngày 3/9 với 8.499 trường hợp. Đến nay, số ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP HCM đã có chiều hướng giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao.

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 2.

Biểu đồ: Phương Trang.

Theo cập nhật của Sở Y tế TP HCM ngày 14/9, toàn thành phố đã thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại vùng cam, vùng đỏ với tổng số 326.743 người. Trong đó có 3.669 người có kết quả dương tính, tỷ lệ dương tính là 1,1%.

Trước đó, trong ngày 12/9, thành phố cũng xét nghiệm nhanh kháng nguyên 406.024 người tại vùng đỏ và vùng cam, số lượng F0 ghi nhận 5.355 người, đạt 1,3%.

Ngày 11/9, số lượng người tại vùng đỏ và cam được xét nghiệm là 523.645, số người có kết quả dương tính là 7.099 người (tỷ lệ dương tính 1,3%).

Đánh giá vùng nguy cơ

Tiêu chí tiếp theo trong dự thảo của Bộ Y tế là mức đánh giá nguy cơ theo quyết định 2686/QĐ- BCĐQG ngày 31/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (phân theo các mức nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và trạng thái bình thường mới).

Bốn mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch tương ứng với các màu sắc: Màu xanh: Mức Bình thường mới;  Màu vàng: Mức Nguy cơ;  Màu cam: Mức Nguy cơ cao; Màu đỏ: Mức Nguy cơ rất cao.

Theo Bản đồ COVID-19 của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, tỷ lệ vùng nguy cơ tính theo tổ dân phố tại TP HCM như sau:

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 5.

Biểu đồ: Phương Trang.

Xét theo tỷ lệ vùng xanh theo từng địa phương, thành phố hiện có 6 quận/huyện đạt trên 50% vùng xanh bao gồm Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, TP Thủ Đức, Phú Nhuận và Tân Bình. Các khu vực có tỷ lệ vùng canh dưới 40% bao gồm quận 11, 8, 4 và Nhà Bè. Trong đó, quận 4 là nơi có tỷ lệ vùng xanh thấp nhất, đạt 22%.

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 6.

Nguồn: Bản đồ COVID-19 TP HCM.

Trước đó, trả lời báo chí chiều 13/9, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nói: "Nếu căn cứ vào đây, thực tế thành phố chưa đạt tiêu chí kiểm soát dịch. Còn căn cứ vào các tiêu chí của tổ chức y tế trên thế giới, đến thời điểm này thành phố cũng chưa đạt. Tuy nhiên căn cứ vào dữ liệu ngành y tế đang có, tình hình thành phố đã và đang khả quan".

Lý giải nguyên nhân khó chạm đến tiêu chí này, PGS Tăng Chí Thượng cho rằng biến thể Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, ngành y làm giảm đi số ca mắc, nhưng mong giảm hẳn là rất khó.

Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 trên 70%

Để đưa TP HCM cũng như các tỉnh thành đang giãn cách xã hội trở lại trạng thái "bình thường mới" và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội an toàn là tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân.

Tiêu chí của địa phương thực hiện phòng dịch, chống dịch ở trạng thái bình thường mới theo dự thảo của Bộ Y tế là tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi ít nhất 1 mũi đạt trên 70% và trên 20% người trên 18 tiêu đủ liều vắc xin.

Hiện TP HCM đang triển khai chiến dịch cao điểm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi từ nay đến ngày 15/9. Các quận, huyện tăng cường tổ chức tiêm vét những người chưa tiêm mũi 1 trong hai ngày 14,15/9. Tất cả đều được tiêm vắc xin không phân biệt thường trú, tạm trú.

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 4.

Tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 tại TP HCM trong những ngày gần đây. (Nguồn: Cổng thông tin COVID-19 TP HCM).

Theo báo cáo kết quả cập nhật số liệu tiêm vắc xin, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến hết ngày 13/9 là 8.156.773, trong đó có 6.583.974 mũi 1, đạt tỷ lệ 91,3% trên dân số trên 18 tuổi. Mũi 2 là 1.572.799, đạt tỷ lệ 21,8%.

Thành phố đang tăng tốc tiêm mũi hai để đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin. Sở Y tế TP HCM đánh giá mức độ bao phủ vắc xin là một trong những điều kiện rất quan trọng để khôi phục cuộc sống bình thường mới và mở rộng các hoạt động kinh tế, xã hội sau này.

Để đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2, TP HCM đã xin ý kiến Bộ Y tế về việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai mũi tiêm AstraZeneca từ 8 đến 12 tuần xuống tối thiểu 6 tuần.

Giường ICU đáp ứng 5% số ca nhiễm

TP HCM cũng đã đạt được tiêu chí số giường cấp cứu ICU với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị theo quy định đảm bảo đáp ứng 5% số ca nhiễm khi được đánh giá nguy cơ rất cao. 

Số giường ICU hiện tại ở TP HCM chủ yếu từ các trung tâm hồi sức từ Trung ương chi viện. Tính đến đầu tháng 9, thành phố có 191 cơ sở cách ly tập trung với 35.369 giường, 81 bệnh viện tầng 2 với 64.400 giường và 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3 với 4.600 giường.

Trong lộ trình mở cửa trở lại bình thường mới, TP HCM đã đạt những tiêu chí nào? - Ảnh 3.

Ngành y tế TP HCM nỗ lực điều trị bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP vào ngày 29/8 và chỉ đạo của Bộ Y tế về việc huy động tối đa các nguồn lực tư nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân, 9 bệnh viện đa khoa và một bệnh viện chuyên khoa tư nhân đã tham gia tiếp nhận điều trị COVID-19 với tổng số 1.085 giường.

Về trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, đến nay, Sở Y tế đã tiếp nhận tài trợ và phân bổ các trang thiết bị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19. Cụ thể, có 560 máy thở chức năng cao; 620 máy thở xâm nhập, không xâm nhập; 2.400 hệ thống oxy dòng cao (HFNC); 39 máy lọc máu liên tục; 3 hệ thống ECMO,… Sở Y tế đã lắp đặt 7.799 giường có oxy, 113 bồn oxy tại các bệnh viện.

Để tiện cho việc chuyển bệnh nhân hai chiều giữa các bệnh viện, Sở Y tế đã phân công các bệnh viện tuyến trên (tầng 3) hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tầng dưới (tầng 2) để tăng cường hội chẩn chuyên môn và chuyển viện điều trị kịp thời.

Ngày hôm nay (15/9), quận 7 và huyện Củ Chi là hai địa phương đã kiểm soát được cơ bản dịch bệnh và bắt đầu bước vào giai đoạn thí điểm hoạt động theo trạng thái “bình thường mới”.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, việc khôi phục dần hoạt động kinh doanh, sản xuất tại hai địa phương này là bước đi thận trong của TP HCM.

Tính riêng trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP HCM đã có tổng cộng 309.787 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Phương Trang