|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9

11:26 | 14/09/2021
Chia sẻ
Mốc 15/9 trở thành mốc quan trọng với người dân, doanh nghiệp, cả nền kinh tế nói chung khi các tỉnh thành dần hé lộ lộ trình nới lỏng giãn cách, cho hoạt động trở lại các dịch vụ.
Nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 1.

TP HCM đang chuẩn bị từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. (Ảnh: Marty Windle/Getty).

TP HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, ngoài việc đóng góp vào GRDP của cả nước 22%, nguồn thu ngân sách của TP chiếm 27% tổng thu ngân sách quốc gia. Trong 10 năm qua, bình quân mỗi năm TP chuyển về Trung ương 300.000 tỷ. Còn Hà Nội cũng đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách Nhà nước.

Hiện TP HCM đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách theo các cấp độ, người dân thủ đô cũng có hơn 50 ngày giãn cách theo Chỉ thị 16.

Toàn nền kinh tế nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 1.

Số liệu kinh tế tháng 8 phản ánh rõ nét sự ngưng trệ trong phục hồi kinh tế của Việt Nam. Đợt bùng dịch do biến chủng Delta trở nên nặng nề dẫn đến siết chặt giãn cách ở TP HCM và các khu vực lân cận. Kinh tế Việt Nam đứng trước báo động khi lần đầu tiên các động lực phát triển bên ngoài bị "hụt hơi". 

Lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng trong khi một số ngành đã xảy ra gián đoạn chuỗi cung ứng, và sự đứt gãy về sản xuất.

Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu. Trước đó hồi cuối tháng 8, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định chính quyền và người dân đều không dài sức để "giãn cách tăng cường mãi".

Dù chưa thể khống chế hoàn toàn dịch bệnh, Việt Nam cũng không nằm ngoài làn sóng các nước Đông Nam Á đồng loạt lên kế hoạch mở cửa.

Mốc 15/9 trở thành mốc quan trọng với người dân, doanh nghiệp, cả nền kinh tế nói chung khi các tỉnh thành dần hé lộ lộ trình nới lỏng giãn cách, cho hoạt động trở lại các dịch vụ. TP HCM mới đây đã cho phép shipper được hoạt động liên quận, Bình Dương từ tâm dịch lớn thứ 2 trở thành điểm sáng vói nhiều vùng xanh, Phú Quốc cũng đã được Chính phủ đồng ý thí điểm đón khách du lịch từ tháng 10.

TP HCM sắp thông qua lộ trình mở cửa sau 15/9

Ngày 9/9, người dân TP HCM vui mừng khi nhận được tin các cửa hàng bán đồ ăn mang về được hoạt động trở lại. Đây là bước đệm để TP HCM chuẩn bị cho việc từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9.

Một ngày sau đó, TP công bố ba giai đoạn trong kế hoạch mở cửa kinh tế sau 15/9, theo đó kế hoạch đều gắn với thẻ xanh COVID-19. Dự kiến sau 15/1/2022, thành phố sẽ mở cửa tất cả hoạt động của nền kinh tế.

Thẻ xanh COVID-19 và thẻ vàng COVID-19 là công cụ được TP HCM dùng để quản lý những cá nhân an toàn (đã tiêm vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh) trong kế hoạch mở cửa từng phần, phục hồi nền kinh tế. Những người sở hữu các thẻ này sẽ được nới lỏng giãn cách để tham gia một số hoạt động trong xã hội.

Tối 13/9, tại buổi đối thoại trực tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình thông tin thêm về lộ trình nới lỏng. Theo ông Bình, thành phố đã có dự thảo, cơ bản lộ trình đã được chốt. Chiều 14/9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP sẽ có nghị quyết thông qua. 

Sau ngày 16/9 đến 31/10, TP sẽ có thêm 1 giai đoạn (16-30/9) là giai đoạn thử nghiệm thí điểm đối với quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ để chuẩn bị công đoạn đầy đủ cho các bước tiếp theo.

Đáng chú ý, từ ngày 16/9, thành phố sẽ cho phép shipper chạy liên quận với nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ xét nghiệm cho shipper tới hết 30/9.

Nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 4.

TP HCM đang chuẩn bị cho việc từng bước mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9. (Ảnh: Quang Huy/ PLO).

Về hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sau ngày 15/9, tại họp báo ngày 13/9, Chủ tịch UBND TP HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, các hoạt động kinh tế xã hội phải dựa trên nguyên tắc an toàn, các hoạt động sản xuất kinh doanh phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

"Việc nới lỏng hay siết chặt sẽ được điều hành theo các dữ liệu thực tế hàng ngày. Hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh sẽ dựa trên các tiêu chí an toàn: Người an toàn, hành trình an toàn, điểm đến, hoạt động an toàn. Một trong những thành phần của bộ tiêu chí an toàn này là dựa vào thẻ xanh COVID-19", ông Mãi nhấn mạnh.

Hà Nội dự tính nới lỏng vùng vàng - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn

Nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 5.

Quán phở gia truyền nằm trên phố Nguyễn Sơn, quận Long Biên tấp nập khách xếp hàng chờ mua. (Ảnh: Báo Tin tức).

Trong buổi tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh của VTV tối 12/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhận định tình hình dịch thành phố cơ bản được kiểm soát.

Về lộ trình nới lỏng, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ được nới lỏng một số hoạt động, đáp ứng việc phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn.

Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Sau ngày 6/9, Hà Nội chia 3 phân vùng giãn cách xã hội để vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Vùng 1 có nguy cơ rất cao (tập trung ở nội đô) tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng (khu vực ngoại thành) áp dụng biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Hiện, Hà Nội đã cho phép hàng ăn được bán mang về ở các vùng xanh thuộc quận Long Biên và huyện Gia Lâm.

Bình Dương sẽ cho lưu thông trong toàn tỉnh từ ngày 20/9

Kinh tế nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 6.

Các vùng xanh, vàng, đỏ của tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương).

Tâm dịch lớn thứ 2 cả nước đang vươn lên trở thành điểm sáng về "vùng xanh". Đến nay Bình Dương đã có 6 huyện, thành phố "vùng xanh" gồm: Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và thành phố Thủ Dầu Một. Dự kiến sau ngày mai, một số phường "vùng xanh" ở thành phố Thuận An, Dĩ An và thị xã Tân Uyên sẽ trở về trạng thái bình thường mới.

Ở các địa phương "vùng xanh", hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhu yếu phẩm đã dần hoạt động trở lại trong điều kiện phải đảm bảo an toàn. Theo đó, người dân đi làm và ra đường buộc phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin COVID-19 sau 14 ngày. 

Từ sau ngày 15/9, người có "thẻ xanh vắc xin" sẽ được di chuyển trong huyện và ngày 20/9 có thể đi lại trong tỉnh.

Kinh tế nín thở chờ ngày dần mở cửa trở lại sau 15/9 - Ảnh 6.

Nền kinh tế cần được mở cửa trở lại

Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này. Mặc dù vậy, Chủ tịch EuroCham khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp EU nào rời khỏi Việt Nam.

"Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vắc xin tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi "hoàn toàn có thể xảy ra", ông Alain Cany cho biết.

Trong chia sẻ mới đây về viễn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2021, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế sẽ được đẩy nhanh dần từ tháng 10 trở đi, nhưng nền kinh tế sẽ khó trở lại bối cảnh hoàn toàn bình thường trong tương lai gần.

Theo đại diện HSBC, sẽ có hai kịch bản kinh tế cho gần 4 tháng cuối của năm 2021, phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai tiêm vắc xin cho người dân, kết hợp câu chuyện mở cửa lại nền kinh tế đúng thời điểm.

Kịch bản đầu tiên là tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5-5,5%, phụ thuộc vào câu chuyện hiệu quả của chương trình tiêm vắc xin, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.

Kịch bản hai là chương trình tiêm vắc xin triển khai không đủ nhanh, trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5-4%.

"Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại, và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình. Tại nhiều thị trường khác, các hoạt động kinh tế có xu hướng phục hồi mạnh mẽ ngay thời điểm kinh tế mở cửa và chúng tôi kỳ vọng nhìn thấy điều tương tự ở Việt Nam", ông Tim Evans đánh giá.

Anh Đào