|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phó bí thư Hà Nội: TP không thể tiếp tục giãn cách kéo dài, dự tính nới lỏng vùng vàng

00:00 | 13/09/2021
Chia sẻ
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thách thức lớn nhất của Hà Nội là không thể cứ tiếp tục giãn cách kéo dài thêm nữa. Thành phố cũng đang dự tính nới lỏng hoạt động ở vùng vàng - nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn.

Tại tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh của VTV tối 12/9, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trả lời về nguy cơ bùng phát dịch ở Thủ đô và lộ trình nới lỏng giãn cách.

Ông Phong cho biết tình hình dịch tại Hà Nội cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, theo đánh giá của thành phố và chuyên gia, nguy cơ bùng phát dịch ở Hà Nội vẫn rất cao. Qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng và sàng lọc ho sốt, TP vẫn phát hiện thêm các ca F0. Chiều hướng ca bệnh có giảm nhưng số liệu cho thấy chưa bền vững.

Bên cạnh đó, dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp, chuỗi cung ứng, siêu thị, chợ đầu mối. Lực lượng giao hàng, lái xe đường dài phát hiện nhiễm virus có chiều hướng tăng khi lượng người đổ ra đường hàng ngày ở Hà Nội vẫn ở mức cao.

"Nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn TP vẫn ở mức cao và có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta lơi lỏng các biện pháp phòng chống dịch", Phó bí thư Hà Nội nói.

Về thách thức, ông Phong cho biết thách thức lớn nhất của Hà Nội là không thể cứ tiếp tục giãn cách kéo dài thêm nữa, mà cần có giải pháp mạnh, thực chất hơn và hiệu quả hơn. Đó là vắc xin và xét nghiệm diện rộng để tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. 

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận khó có thể bóc tách hoàn toàn F0 khỏi cộng đồng. Dù vậy, TP cần xác định cố gắng bóc tách ở mức độ cao nhất, triệt để nhất có thể bằng xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Về lộ trình nới lỏng, ông Nguyễn Văn Phong cho biết TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ được nới lỏng một số hoạt động, đáp ứng việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biêt có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế. Việc này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân cũng như nguồn thu ngân sách cho TP, một mặt bảo vệ an toàn các khu công nghiệp, sản xuất. Còn lại các nơi khác có điều kiện nới lỏng giãn cách thì từng bước khôi phục lại sản xuất kinh doanh", ông Phong nói và cho biết TP sẽ phân quyền chủ động cho từng địa phương để ra quyết sách phù hợp.

Anh Đào

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.