TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng dự tính nới lỏng hoạt động cho người đã tiêm vắc xin
TP HCM lên kế hoạch nới lỏng giãn cách cùng "thẻ xanh COVID"
TP HCM là địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất cả nước với 286.242 trường hợp. Trong thời gian qua, thành phố đã được phân bổ một lượng lớn vắc xin và đã tiêm chủng cho hơn 7,3 triệu người, trong đó tổng số mũi 1 là hơn 6,3 triệu mũi, mũi 2 khoảng 971.900.
Tại Hội nghị tiếp thu ý kiến đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, hoàn thiện dự thảo kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế chiều 10/9, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết mục tiêu của TP phấn đấu đến 15/9 cơ bản kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng và phục hồi kinh tế, đưa TP về trạng thái “bình thường mới”.
Theo đó, lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế, TP HCM dự kiến thực hiện theo ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 - 31/10): cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10 đến 15/1/2022), TP sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022), TP lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.
Ngoài các lộ trình dự kiến, TP cũng có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm: hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động; hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ về thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bình Dương cho phép người đã tiêm vắc xin tham gia lưu thông
Sau thời gian dài bùng phát dịch bệnh, hiện Bình Dương đã ghi nhận 146.859 ca mắc COVID-19, chỉ xếp sau TP HCM. Địa phương hiện cũng đang đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, hiện đã tiêm hơn 1,6 triệu liều vắc xin, trong đó có hơn 47.700 người đã được tiêm phòng đầy đủ.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương cũng đã lên phương án triển khai "giấy thông hành vắc xin" để có thể tiến tới trạng thái "bình thường mới".
Vào tối ngày 9/9, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có công văn hỏa tốc gửi các sở ngành và địa phương về việc khôi phục hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, tỉnh Bình Dương quyết định cho phép người dân đã tiêm ít nhất một mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày được tham gia lưu thông. Tuy nhiên, người lao động cần có thêm giấy xác nhận làm việc tại doanh nghiệp để di chuyển từ nơi ở đến nơi sản xuất, khi đi qua các chốt kiểm soát.
Những người chưa tiêm vắc xin và người tiêm mũi 1 dưới 14 ngày không được ra đường. Tuy nhiên, đối với người già, người có bệnh lý nền và trẻ em không tham gia lưu thông khi không cần thiết.
Đồng Nai dự tính thực hiện "công dân vắc xin"
Tại hội nghị giao ban trực tuyến với Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 ngày 6/9, do ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai chủ trì, nhiều ý kiến đề xuất tỉnh nên đẩy mạnh tiêm vắc xin, thậm chí cho phép người dân ra ngoài nếu tiêm đủ mũi.
“Sắp tới chúng ta thực hiện công dân vắc xin. Người nào tiêm đủ vắc xin thì ra đường, dân được tiêm vắc xin càng nhiều thì xã hội càng sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Mỗi một ngày chậm tiêm vắc xin, kinh tế xã hội không vận hành, địa phương thiệt hại cả nghìn tỷ đồng. 10 ngày nữa nếu chúng ta không phủ được vắc xin thì chúng ta sẽ mất thời cơ”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu trong buổi hội nghị.
Về kết quả tiêm vắc xin, tỉnh đã tiêm vắc xin cho gần 1,4 triệu người, chiếm 62,1% dân số đủ điều kiện tiêm phòng. Theo Lãnh đạo Sở Y tế, nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm này là đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, kiểm soát, hạn chế lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung, bệnh viện, khu vực phong tỏa.
Khánh Hòa người tiêm đủ hai mũi vắc xin sẽ được ra đường
Trong quyết định giãn cách mới nhất, tỉnh Khánh Hòa đã cho phép người đã tiêm vắc xin mũi thứ hai sau 14 ngày, người có giấy xét nghiệm âm tính hoặc người điều trị khỏi COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly được di chuyển sang các huyện giáp ranh.
Các cửa hàng kinh doanh sách vở, đồ dùng học tập, vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ được phép bán mang về) ở vùng xanh được hoạt động với điều kiện chủ cửa hàng, cơ sở phải đăng ký và được UBND cấp xã, phường đồng ý khi đã bảo đảm đầy đủ các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Trong đó, người bán hàng, làm việc tại các cửa hàng, cơ sở phải đeo khẩu trang, tấm kính chắn giọt bắn, có dây giăng, vạch kẻ luồng ra/vào, có bàn trung gian giao/nhận hàng, có giấy xác nhận của chủ cơ sở/cửa hàng.
Đồng thời, có giấy chứng nhận xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h hoặc đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ hai ít nhất từ 14 ngày trước hoặc người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 và hoàn thành thời gian cách ly theo quy định.
Hải Phòng cân nhắc cho người tiêm đủ hai mũi vắc xin tham gia sản xuất
Ngày 10/9, UBND TP Hải Phòng ban hành văn bản về việc tiêm vắc xin Vero Cell của Sinopharm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch vào thành phố.
Bên cạnh chỉ đạo về công tác tiêm vắc xin của thành phố, UBND TP Hải Phòng cũng cho biết, đối với các trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vắc xin, thành phố Hải Phòng sẽ xem xét phương án ưu tiên đi lại và tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, vào sáng ngày 9/9, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, tùy theo tình hình dịch COVID-19, TP Hải Phòng sẽ xây dựng các phương án chống dịch phù hợp, đảm bảo an toàn cho người dân. Việc ưu tiên người, đơn vị đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết để vừa chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Cụ thể thì chúng tôi còn phải bàn bạc, thống nhất. Tuy nhiên, có thể kể đến một số ưu tiên như: đi lại qua các chốt kiểm dịch thuận lợi hơn, giảm bớt giấy tờ hay các cơ sở kinh doanh có người đã tiêm đủ sẽ được tạo điều kiện hoạt động bình thường, sống chung với dịch", Thanh niên dẫn lời ông Lê Khắc Nam.