|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

4 điều cần biết về tính an toàn và hiệu quả của vắc xin Vero Cell của Trung Quốc

08:12 | 12/09/2021
Chia sẻ
Theo các nghiên cứu mới đây, vắc xin Vero Cell của Sinopharm, Trung Quốc có hiệu quả với biến chủng Delta, hiện đang được sử dụng ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vắc xin Vero Cell do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc tập đoàn dược Sinopharm, Trung Quốc sản xuất, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hôm 7/5.

Hiệu quả của loại vắc xin COVID-19 Trung Quốc được Việt Nam phê duyệt - Ảnh 1.

Vắc xin COVID-19 của Sinopharm. (Ảnh: AFP).

Vắc xin Vero Cell có hiệu quả 79%

Đây là loại vắc xin có hiệu quả đạt 79% trong việc ngăn chặn triệu chứng bệnh và phòng bệnh chuyển nặng, được WHO khuyến cáo nên tiêm vắc xin Vero Cell cho người lớn từ 18 tuổi trở lên.

Theo dữ liệu công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, vắc xin Vero Cell của Sinopharm có hiệu quả gần 78,1% trong ngăn ngừa các ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng và 73,5% với các ca nhiễm không triệu chứng.

Theo AFP, tính tới đầu tháng 5, vắc xin Vero Cell đã được sử dụng ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ tư sau vắc xin AstraZeneca (166), Pfizer/BioNTech (94) và Moderna (46). Ngoài Trung Quốc, vắc xin này đang được sử dụng ở Algeria, Cameroon, Ai Cập, Hungary, Iraq, Iran, Pakistan, Peru, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Serbia và Seychelles,...

Hiệu quả của vắc xin Sinopharm (Vero Cell) với người cao tuổi

Đối với nhóm người lớn tuổi (trên 60 tuổi), hiệu quả của vắc xin chưa được ước tính do ít tình nguyện viên ở độ tuổi trên tham gia vào các cuộc thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, WHO không khuyến nghị giới hạn độ tuổi cao nhất sử dụng vắc xin này vì dữ liệu sơ bộ và dữ liệu sinh miễn dịch cho thấy vắc xin có thể có tác dụng bảo vệ ở người lớn tuổi. 

Tác dụng phụ của vắc xin rất nhẹ

Mới đây, tạp chí International Journal of Infectious Diseases đã đưa ra kết quả một cuộc nghiên cứu về tác dụng phụ của vắc xin Sinopharm. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 - 4 tại UAE để thu thập dữ liệu về các tác dụng phụ của vắc xin Vero Cell.

Theo đó, các phản ứng phụ phổ biến nhất sau khi tiêm liều đầu và liều hai là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi và nhức đầu. Trong đó, các tác dụng phụ xuất hiện nhiều hơn ở những người tham gia thuộc nhóm ≤ 49 tuổi, và ở nữ nhiều hơn so với nam. Nghiên cứu kết luận rằng các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin này là nhẹ, nằm trong dự đoán và không có trường hợp nào nhập viện.

Hiệu quả với biến thể Delta

Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng vắc xin COVID-19 bất hoạt do Trung Quốc phát triển đã hạn chế sự lây lan của biến thể Delta trong đợt bùng phát hồi tháng 5 vừa qua ở TP Quảng Châu, Trung Quốc.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quảng Châu đã phát hiện ra rằng hiệu quả chống lại biến thể Delta sau khi tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin là 59%, hiệu quả ngăn ngừa nhiễm bệnh triệu chứng vừa phải là 70,2% và nhiễm bệnh tình trạng nặng là 100%. Trong khi đó, hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm mũi thứ nhất chỉ đạt 13,8%, không mang lại hiệu quả bảo vệ đầy đủ.

Nghiên cứu này thu thập dữ liệu từ 628 người tham gia, trong đó có 153 trường hợp nhiễm COVID-19 do biến thể Delta gây ra (được xác định nhiễm bệnh trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 đến ngày 20/6) và 475 trường hợp tiếp xúc gần với các người bệnh COVID-19. Trong 153 trường hợp nhiễm COVID-19 do biến chủng Delta gây ra có 6 trường hợp tình trạng nặng, 10 trường hợp nguy kịch và không có trường hợp tử vong nào trong thời gian nghiên cứu.

Trong số người tham gia đã được tiêm chủng, có 61,3% tiêm hai mũi vắc xin CoronaVac, 27,5% tiêm hai mũi vắc xin Sinopharm, 10,4% tiêm kết hợp hai loại vắc xin trên và 0,8% còn lại thiếu thông tin về loại vắc xin.

Theo nghiên cứu, hiệu quả bảo vệ sau khi tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin đối với biến chủng Delta đạt 72,5% đối với những người tham gia nghiên cứu trong độ tuổi từ 40 - 59, hiệu quả của vắc xin cũng cao hơn ở nữ giới. Không có trường hợp bệnh nặng, nguy kịch hoặc tử vong nào là người đã tiêm chủng. Cụ thể, tất cả 16 trường hợp nặng, nguy kịch đều là những người chưa tiêm phòng.

Theo một nghiên cứu khác ở Bahrain được công bố cuối tháng 8 trên WSJ, cho thấy tất cả các loại vắc xin được tiêm kể từ tháng 12/2020 (thời điểm biến thể Delta đã xuất hiện) ở Vịnh Ba Tư, bao gồm vắc xin Covishield (phiên bản vắc xin AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất); Sputnik V; Pfizer/BioNTech; Sinopharm đều có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng bệnh nặng so với nhóm dân số chưa được tiêm phòng.

Như Ngọc