Hai cơ sở để TP HCM lên kế hoạch phục hồi kinh tế
Chiều 11/9, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị mở rộng để cho ý kiến về kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP HCM sau ngày 15/9, tờ Zingnews đưa tin.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, tại cuộc họp sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Y tế sớm ban hành chiến lược tổng thể phòng chống dịch cho cả nước thời gian tới.
Trên nền chiến lược tổng thể này, TP HCM sẽ có căn cứ để phục hồi kinh tế. TP HCM chủ động làm trước, tuy nhiên, vẫn phải dựa trên cơ sở từ chiến lược tổng thể này.
Ông Mãi cho biết thêm Thủ tướng đã chỉ đạo Chính phủ thành lập tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch.
Như vậy, TP HCM sẽ có 2 cơ sở, một là chiến lược tổng thể của ngành y tế để thành phố triển khai kế hoạch chiến lược phòng chống dịch; hai là có sự trợ lực từ tổ công tác về phục hồi kinh tế sau dịch của Chính phủ.
Tuy nhiên, TP HCM không thể chậm trễ hơn nên phải chủ động xây dựng dự thảo kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau 15/9.
Trong quá trình triển khai, ngoài 4 tổ trực tiếp mà UBND TP HCM đã lập, thành phố sẽ tham khảo ý kiến các chuyên gia về y tế, kinh tế, văn hóa - xã hội. TP cũng tổ chức lấy ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời, thành phố đã lấy ý kiến đợt 1 từ tổ công tác của Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho rằng, để thuận tiện cho người dân và công tác quản lý, nên áp dụng một thẻ xanh COVID-19 với các cấp độ, không nên áp dụng nhiều thẻ (thẻ xanh, thẻ vàng).
Về kế hoạch phục hồi kinh tế, bà Lệ đề nghị cần có giải pháp thu hút người lao động đã nghỉ việc về quê trở lại TP HCM. Trong đó, nên ưu tiên tiêm vắc xin, hỗ trợ an sinh, chỗ ở… cho người lao động.
"Cần áp dụng quy định cụ thể về quy chuẩn trong việc xây dựng nhà trọ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn PCCC và các điều kiện cơ bản đối với người ở trọ", bà Lệ nói và cho rằng TP HCM cũng cần nghiên cứu, đề xuất Trung ương có chính sách miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ với các chủ nhà trọ, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp; tiêm vắc xin giúp người lao động, tăng đối thoại để tháo gỡ các vướng mắc nhằm giữ chân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Điểm sáng để TP HCM trở về cuộc sống bình thường
Theo số liệu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM, tính đến ngày 7/9 tổng số mũi vắc xin đã tiêm cho người dân là hơn 6,8 triệu mũi, trong đó tổng số người đã tiêm mũi 1 là hơn 6,175 triệu, tiêm mũi 2 là 708.646, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 751.471 người.
Như vậy, tính đến thời điểm này, hơn 70% người dân từ 18 tuổi trở lên sống tại TP HCM đã được tiêm vắc xin COVID-19. Đây là điểm sáng để TP HCM có thể ứng phó dịch bệnh, nhanh chóng trở về cuộc sống bình thường như trước đây, TTXVN đưa tin.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết, thành phố được đánh giá là vùng có nguy cơ cao, cấp độ 4 trong lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sau thực hiện giãn cách siết chặt từ ngày 23/8 đến 6/9/2021, TP HCM được đưa về cảnh báo cấp độ 3. Với cải thiện này, TP HCM sẽ nhanh chóng có phương án để dần mở giãn cách.
Theo đó, TP HCM sẽ áp dụng thẻ xanh và thẻ vàng COVID-19. Cụ thể, thẻ xanh và thẻ vàng được hiển thị thông qua các ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, tiemchungcovid19.gov.vn… khi người dân đã được tiêm vắc xin mũi 1 hoặc tiêm 2 mũi vắc xin COVID-19.
Dự kiến, sau ngày 15/9/2021, TP HCM sẽ đưa ra quy tắc chống dịch để khôi phục sản xuất an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó trong 3 giai đoạn. Đó là từ ngày 16/9 đến 31/9, người đã tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 có thể tham gia các hoạt động lưu thông, sản xuất, ngoại trừ các hoạt động karaoke, vũ trường, kinh doanh trung tâm thương mại, thể dục thể thao.
Khoảng thời gian từ 15/9 đến 31/10/2021, toàn thành phố sẽ có khoảng 80% người trên 18 tuổi tiêm vắc xin mũi 1, thành phố sẽ mở dần giãn cách từ các quận huyện vùng xanh như quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ.
Cũng trong thời gian này, thành phố xem xét mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức để đảm bảo chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cho người dân, bởi thực tế năng lực của các hệ thống siêu thị trong thành phố chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.
Giai đoạn 2 từ 31/10/2021 đến 15/1/2022, TP HCM sẽ mở lại các hoạt động cho người có thẻ xanh COVID-19 là trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống.
Giai đoạn 3 kể từ ngày 15/1/2022 trở đi, mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh tụ tập đông người bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19.