|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam ở đâu trong làn sóng mở cửa, phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á dù dịch vẫn chưa qua?

12:11 | 13/09/2021
Chia sẻ
Các nước Đông Nam Á lo lắng kinh tế sẽ đi về đâu nếu giãn cách quá lâu mà vẫn chưa kiểm soát được dịch. Một số nước đang tính đến chuyện sống chung với dịch và dần mở cửa trở lại.

Trong lúc vẫn đang phải gồng mình ứng phó với làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất đến nay, các nước Đông Nam Á dần nhận ra không còn đủ sức chống chịu trước những hạn chế gây ảnh hưởng đến kinh tế và tính đến việc cần thiết dần nới lỏng các hoạt động, Bloomberg nhận định.

Đông Nam Á lo lắng kinh tế sẽ đi về đâu nếu giãn cách kéo dài

Bên trong các nhà máy ở Việt Nam, Malaysia, ở các tiệm cắt tóc ở Manila hay tại những tòa tháp văn phòng của Singapore, các nhà chức trách đang tìm cách đẩy nhanh kế hoạch mở cửa trở lại, tìm điểm cân bằng giữa chống dịch và duy trì hoạt động kinh tế. 

Một số những biện pháp gần đây được các nước Đông Nam Á áp dụng phải kể đến quân đội giao thực phẩm cho dân, công nhân vừa cách ly vừa sản xuất, phong tỏa quy mô nhỏ hay chỉ cấp quyền cho người đã tiêm vắc xin được đến nhà hàng, văn phòng.

Đông Nam Á chật vật tìm điểm cân bằng giữa chống dịch và duy trì kinh tế - Ảnh 1.

Singapore là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhưng vẫn đang phải đối mặt với làn sóng COVID-19. (Ảnh: Lauryn Ishak/Bloomberg).

Trái ngược với Đông Nam Á, các nước châu Âu và Mỹ đã bắt đầu tái mở cửa. Tỷ lệ tiêm chủng chưa cao khiến Đông Nam Á trở thành một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến thể Delta. Các đợt giãn cách lần này dần trở nên kém hiệu quả trong bối cảnh ngân sách bị căng thẳng hơn bởi các gói kích thích trước đó và chính sách tài khóa suy yếu.

Krystal Tan, chuyên gia kinh tế của Australia & New Zealand Banking Group Ltd. nhận định rất khó để tìm được điểm cân bằng giữa sinh mạng và sinh kế. Ngay cả Singapore – một trong những nước dẫn đầu tiêm chủng trên thế giới cũng đang phải cũng đang chật vật đối phó với các ca nhiễm tăng đột biến.

Chuyên gia này nhận định Singapore chịu rủi ro trì hoãn tái mở cửa cao hơn các nước khác trong khu vực.

Đông Nam Á chật vật tìm điểm cân bằng giữa chống dịch và duy trì kinh tế - Ảnh 2.

Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội. (Ảnh: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images).

Các nhà máy ở Đông Nam Á tạm dừng hoạt động khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao. Những nhà sản xuất ô tô như Toyota đã buộc phải thu hẹp sản xuất, thương hiệu bán lẻ thời trang Abercrombie & Fitch Co. cũng cảnh báo tình trạng đang "vượt quá tầm kiểm soát".

Giới chức các nước đang ngày càng lo lắng kinh tế sẽ đi về đâu nếu kéo dài giãn cách quá lâu và tiến độ tiêm chủng vẫn thấp. Malaysia đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 3-4% sau khi số ca nhiễm những ngày gần đây cao kỷ lục. Hy vọng phục hồi kinh tế nhờ hồi sinh du lịch của Thái Lan cũng nhanh chóng tiêu tan.

Ngay cả khi có triển vọng khả quan, như Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6% năm nay, Singapore dự kiến mức tăng trưởng 7% thì áp lực ngày càng hiện rõ trong việc giải quyết tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế Wellian Wiranto của Oversea-Chinese Banking Corp nhận định các nước Đông Nam Á đang bị hao mòn bởi chi phí kinh tế từ các đợt giãn cách liên tiếp và người dân ngày càng mệt mỏi vì cuộc khủng hoảng kéo dài.

"Bất cứ tia hy vọng nào về mở cửa lại biên giới đều có thể mang đến thuận lợi cho dòng chảy thương mại, nhưng việc khách du lịch đến Đông Nam sẽ vẫn là một giấc mơ xa vời", ông nói.

Đề cập đến tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu, phải nhắc tới câu chuyện ở Việt Nam – nơi đang áp dụng nhiều biện pháp giãn cách nghiêm ngặt dẫn đến việc nhà sản xuất, xuất khẩu phải chịu chi phí cao hơn trong khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam ước tính 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác để bảo vệ chuỗi cung ứng của họ. Con số này có thể sẽ còn tăng.

Nhiều nước thay đổi chiến lược chống dịch

Đại dịch kéo dài cũng đang thử thách sự kiên nhẫn của người dân. Ở Malaysia, chính quyền đã buộc phải thay đổi chiến lược chống dịch sau khi tỷ lệ mất việc làm gia tăng sau các đợt phong tỏa kéo dài nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được dịch.

Tại Singapore và Philippines, càng ngày có nhiều doanh nghiệp lên tiếng về những khó khăn khi lên kế hoạch dài hạn do thiếu sự chắc chắn trong các chính sách của chính phủ.

Bloomberg nhận định Đông Nam Á đang có sự thay đổi, dần coi COVID-19 như một bệnh đặc hữu. Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang đi theo chiến lược của Singapore để học cách sống chung với virus.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất khu vực, tập trung vào chiến lược dài hạn. Các bộ trưởng nước này đang cố gắng xây dựng quy tắc đeo khẩu trang trong nhiều năm hơn là thực hiện hạn chế di chuyển.

Đông Nam Á chật vật tìm điểm cân bằng giữa chống dịch và duy trì kinh tế - Ảnh 3.

Malaysia, Indonesia và Thái Lan đang đi theo chiến lược của Singapore để học cách sống chung với virus. (Ảnh: Samsul Said/Bloomberg).

Còn với Singapore, việc báo cáo số ca nhiễm mới hàng ngày không còn quá quan trong, thay vào đó là tập trung vào số ca chuyển nặng. Điều này là hiển nhiên với quốc gia tiêm chủng nhiều nhất khu vực. Malaysia cũng tương tự với khoảng một nửa dân số được tiêm phòng đầy đủ.

Philippines hiện đang áp dụng phong tỏa theo khu vực. Việt Nam cũng đang thực hiện chiến lược này, các hạn chế được thay đổi dựa trên nguy cơ của từng khu vực trong thành phố.

Về kế hoạch mở cửa, Indonesia hiện chỉ cho phép những người có chứng nhận tiêm chủng được ra vào trung tâm mua sắm và chùa chiền ở Jakarta. Tương tự, người dân Malaysia cũng có thể đến rạp chiếu phim nếu đã tiêm phòng đầy đủ.

Các nhà hàng ở Singapore được quyền kiểm tra tình trạng tiêm phòng của thực khách. Tại Manila, Philippines, chính quyền đang xem xét "bong bóng vắc-xin" áp dụng cho nơi làm việc và phương tiện giao thông công cộng.

Mặc dù chiến lược này giúp giảm thiệt hại cho nền kinh tế, nhưng rủi ro là việc phân phối vắc xin không đồng đều. Ví dụ như ở Malaysia phân phối vắc xin cho các khu vực kinh tế quan trọng hơn. Điều này có thể gây ra sự bất bình đẳng, người dân thu nhập thấp khó tiếp cận vắc xin.

Việt Nam ở đâu trong làn sóng mở cửa, phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á dù dịch vẫn chưa qua? - Ảnh 4.

(Ảnh: Bloomberg).

Tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây nhấn mạnh kiên quyết không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân. 

TP HCM cũng đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại theo ba giai đoạn, theo đó dự kiến từ 16/9 - 31/10, TP dần nới lỏng các hoạt động, áp dụng cho người có thẻ xanh và thẻ vàng COVID-19. Sau 15/1/2022, dự kiến tất cả cac hoạt động của nền kinh tế sẽ được mở lại.

Còn tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội hôm qua cho biết TP đang tính đến nới lỏng ở vùng vàng, nơi tập trung các khu công nghiệp, khu kinh doanh, sản xuất lớn. Vùng vàng sẽ được nới lỏng một số hoạt động, đáp ứng việc phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Đây là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biêt có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng quốc tế. Việc này sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho người dân cũng như nguồn thu ngân sách cho TP, một mặt bảo vệ an toàn các khu công nghiệp, sản xuất. 

Còn lại các nơi khác có điều kiện nới lỏng giãn cách thì từng bước khôi phục lại sản xuất kinh doanh", ông Phong nói và cho biết TP sẽ phân quyền chủ động cho từng địa phương để ra quyết sách phù hợp.

Anh Đào