Chưa niêm yết HOSE, Chủ tịch Minh Phú nói niêm yết sàn ngoại 'không khó'
Có nhiều nhà đầu tư "để ý", Minh Phú vẫn thể chọn được đối tác chiến lược
Sáng 10/11, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bàn về các vấn đề như phát hành riêng lẻ gần 76 triệu cổ phiếu tăng vốn, đầu tư xây dựng nhà máy tôm tẩm bột, ước tính lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, trong đợt phát hành cổ phiếu lần này có nhiều nhà đầu tư muốn mua với các tỉ lệ 35,1%, 30% và 15%.
Trong đó, có một nhà đầu tư muốn mua 35,1% cổ phần của công ty và 15% của gia đình ông Quang để nắm 51% cổ phần. Đối tác này còn muốn mua 65% cổ phần Minh Phú với mức giá tốt và không bị hạn chế chuyển nhượng. Tuy nhiên, theo ông Quang, đối tác vẫn chưa đạt kỳ vọng của công ty. Mức giá Minh Phú đưa ra phải cao ít nhất 20-30% giá trị trường thì công ty mới bán.
Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết mặc dù quy trình sản xuất, chế biến của Minh Phú hiện khá tốt nhưng về mặt thị trường thì công ty vẫn chưa làm chủ được. Do đó, Minh Phú muốn nhà đầu tư chiến lược có vốn lớn, giúp công ty có thị trường mạnh.
Hiện có hai nhà đầu tư đáp ứng được kỳ vọng đến từ Mỹ và Nhật Bản với công nghệ nuôi tôm hàng đầu thế giới tuy nhiên ông Quang cũng đang cân nhắc do tỉ lệ sở hữu kỳ vọng của nhà đầu tư quá lớn, nhất là việc muốn mua lại cổ phiếu từ gia đình ông.
“Cơ bản, việc đàm phán lựa chọn đối tác chiến lược gần hoàn thành song Minh Phú muốn thông qua đại hội cổ đông và tận dụng những tháng cuối năm để chọn nhà đầu tư tốt hơn. Về mức giá mua, thời gian gần đây, cổ phiếu MPC có thanh khoản khá tốt nên có thể công ty sẽ dựa vào giá thị trường để xác định giá phát hành”, ông Quang cho biết.
Bên cạnh đó, ông Quang chia sẻ, có một nhà đầu tư muốn Minh Phú niêm yết trên sàn quốc tế như Hong Kong hay Singapore. Theo ông Quang, vấn đề này không hề khó, Minh Phú sẽ nghiên cứu sau khi niêm yết sàn HOSE vào năm 2019.
Đại hội cổ đông bất thường của Minh Phú. Ảnh: MA. |
Lợi nhuận của nhà máy tôm tẩm bột có thể tăng trên 20%
Tại đại hội, công ty cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra đã đưa mức thuế nhập khẩu tôm tẩm bột của Trung Quốc vào Mỹ từ mức 0% (mặt hàng tôm tẩm bột không bị thuế phá giá) lên 10% và sẽ lên 25% vào cuối năm 2018 làm cho mặt hàng này trước đây Trung Quốc xuất rất mạnh vào Mỹ thì hiện giờ không xuất được. Chính vì vậy, các khách hàng Mỹ đã gặp và yêu cầu Minh Phú bán hàng cho họ để bù vào lượng thiếu hụt mà Trung Quốc không bán được.
Do đó, Minh Phú quyết định xây dựng nhà máy tôm tẩm bột công suất 40.000 tấn/năm tại phần đất của Minh Phú Hậu Giang. Việc đặt nhà máy ở Minh Phú Hậu Giang thì sẽ giảm được chi phí vận chuyển tôm nhập về cũng như tôm tẩm bột xuất đi. Dự kiến lợi nhuận của dự án này sẽ trên 20%.
Bên cạnh đó, Minh Phú còn muốn thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tôm bố mẹ, con giống và công nghệ nuôi cùng dinh dưỡng và thức ăn tôm. Nguồn vốn cho nghiên cứu và phát triển được trích 1% doanh thu hàng năm.
Ngoài ra, các kho lạnh bên Mỹ đã quá tải lượng hàng nhập khẩu của Minh Phú vào Mỹ và phát sinh thêm rất nhiều chi phí. Vì thế công ty chủ trương đầu tư xây dựng một kho lạnh 10.000 pallet tại Los Angeles và một kho 10.000 pallet tại New York. Đây là 2 cảng chính mà hàng Minh Phú nhập vào.
Nguồn vốn đầu tư hai kho này là từ nguồn lợi nhuận tái đầu tư của Mseafood và nguồn vốn vay ngân hàng. Nguồn trả nợ là bằng lợi nhuận để lại hàng năm của Mseafood.
Ông Quang cho biết, Minh Phú đang nhắm tới mục tiêu 25% thị phần tôm toàn cầu thì mới có sức mạnh trong chuỗi tôm, nhất là đối với các hệ thống phân phối bán lẻ, nhà hàng.
Hiện công ty đang áp dụng thí điểm nuôi tôm theo công nghê nhân tạo, biên lợi nhuận có thể đạt trên 15%. Ông Quang đưa ra ba kịch bản. Cụ thể, nếu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 15%/năm thì đến 2023 sản lượng tôm của Minh Phú dự kiến đạt 510.000 tấn; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 20% thì sẽ đạt 1 triệu tấn tôm, giá trị tương ứng 10 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 25% thì sẽ đạt 1,7 triệu tấn tôm, giá trị 17 tỉ USD.
Theo ông Quang, nếu làm tốt và có cả nhà đầu tư chiến lược tham gia thì Minh Phú có thể tăng trưởng lợi nhuận 30%, sản lượng đạt 2.6 triệu tấn tôm, tương ứng 26 tỉ USD.
Ngoài ra, cổ đông Minh Phú đã bầu bổ sung ông Bùi Anh Dũng làm thành viên HĐQT, nâng số thành viên lên 9 người. Được biết, ông Dũng hiện là Tổng Giám đốc Minh Phú Food và Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú.
Cổ đông cũng thông qua việc phát hành không quá 500.000 cổ phiếu thưởng cho các bộ công nhân viên (ESOP) với tỉ lệ 0,36% vốn cổ phần. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 5 năm.