Chưa nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn hỗ trợ để chuyển đổi xanh
Đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ gắn với quá trình chuyển đổi xanh trong nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) đã được ban hành; trong đó, các chính sách tài chính và phi tài chính được nhiều doanh nghiệp quan tâm; song việc tiếp cận nguồn lực này còn nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp bày tỏ sự ngại ngần, dè dặt khi phải dựa vào các nguồn lực hỗ trợ.
Điều này lý giải nguyên nhân, dù tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là ở ngành chế biến chế tạo có hoạt động đổi mới sáng tạo rất nhiều nhưng chưa đưa ra thị trường hay đưa vào sản xuất kinh doanh, chưa thực sự mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Trong bảng khảo sát nhu cầu doanh nghiệp được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành gần đây đã ghi nhận, nhóm giải pháp chính sách tài chính, chính sách ưu đãi, hỗ trợ thuế, phí...có tỷ lệ lựa chọn rất cao; chứng tỏ nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn. Nếu thuận lợi, sự hỗ trợ thiết thực này có thể tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước được huy động, gồm cả nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp và nguồn lực từ các tập đoàn lớn, các tổ chức quốc tế... cũng sẽ giúp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số - chuyển đổi xanh mà các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai.
Ông Chử Đức Hoàng, Chánh Văn phòng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, đổi mới công nghệ là cầu nối giữa kinh tế số và kinh tế xanh. Việc đổi mới công nghệ không chỉ là vấn đề của một ngành công nghiệp hay một doanh nghiệp cụ thể, mà còn là yếu tố quyết định trong việc hình thành và phát triển của cả hai lĩnh vực kinh tế số và kinh tế xanh. Đổi mới công nghệ không chỉ mang lại những sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, mà còn là những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Để thúc đẩy đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp rất cần có sự hợp tác mạnh mẽ và các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, các cấp ngành, địa phương và cộng đồng xã hội. Chính phủ cần tạo ra môi trường thuận lợi để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, trong khi doanh nghiệp cần thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư vào công nghệ xanh và sạch. Cộng đồng cũng cần tham gia tích cực vào quá trình đổi mới này, bằng cách hỗ trợ và động viên những nỗ lực từ phía Chính phủ và doanh nghiệp.
“Đổi mới công nghệ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và kinh tế xanh, để thực hiện được việc đó, trong thời gian tới Chính phủ cùng các cấp, ngành cần chú trọng tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua việc tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ…", ông Chử Đức Hoàng nhấn mạnh.
Điểm qua một số nguyên nhân dẫn tới việc doanh nghiệp "ngại" tiếp cận nguồn hỗ trợ để chuyển đổi xanh, ông Lê Văn Dũng, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ ABSoft cho rằng, chi phí cho hoạt động đổi mới công nghệ quá cao, nhiều doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng thiếu nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để có thể tham gia và thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thậm chí, có doanh nghiệp không biết về các hoạt động đổi mới công nghệ phù hợp với lĩnh vực sản xuất kinh doanh của mình. Những điều này phản ánh nội lực còn rất hạn chế của số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cản trở họ tiếp cận nguồn lực. Đó là chưa kể thực tế nguồn lực hỗ trợ còn rất hạn chế, thủ tục hành chính thiếu thân thiện...
Một số doanh nghiệp còn phản ánh, họ thiếu các thông tin về hình thức hỗ trợ; nhất là với những chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách nhà nước và còn nhiều "đắn đo" về các điều kiện liên quan đến thủ tục thanh toán, đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý còn rất lằng nhằng, phức tạp. Một số chính sách hỗ trợ tập trung vào các chương trình tập huấn, đào tạo trong khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính, kết nối chuỗi cung ứng, thúc đẩy tiêu dùng xanh…
Trong khi đó, tín dụng xanh tại các tổ chức tín dụng chưa phổ biến, số lượng doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng xanh không nhiều. Việc phát triển thị trường tài chính xanh gặp khó khăn, các bên tham gia hạn chế, thiếu vắng nhà đầu tư có tổ chức tham gia thị trường tín dụng, cổ phiếu, trái phiếu xanh.
Đồng tình, ông Phạm Phú Trường, Phó Chủ tịch HĐTV Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) cho biết, tất cả quốc gia cam kết Net Zero vào năm 2050 đều chưa đảm bảo được lộ trình, thậm chí còn đang gia tăng phát thải 9% so với trước đây. Riêng tại Việt Nam, Chính phủ đang rất nhiệt huyết với cam kết này. Tuy nhiên, một số chính sách vẫn mang tính ngắn hạn, chưa có sự kết nối thực sự đến doanh nghiệp. Ông Trường cho rằng cần có những chính sách phục vụ đa đối tượng, đa ngành, kèm mục tiêu và thời gian cụ thể, tập trung khuyến khích doanh nghiệp tự tin đầu tư phát triển.