Chủ tich Vietcombank: Được phép phát hành thêm cổ phiếu nhưng gặp 'trắc trở' về giá
Vietcombank sẽ thu xếp 27.100 tỷ đồng cho dự án của EVN tại Quảng Bình | |
Vietcombank, VietinBank và BIDV giữ Top 3 thương hiệu đứng đầu ngành ngân hàng với tổng giá trị 478 triệu USD |
Phát biểu trong Hội nghị sơ kết về thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) cho biết đối với các NHTM Nhà nước hiện nay việc tăng vốn điều lệ là cấp bách hơn bao giờ hết.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank (Ảnh: DB) |
Bởi vì tỷ lệ an toàn vốn hiện nay (chưa tính theo Basel II) là ở ngưỡng tiệm cận thiếu an toàn. "Nếu áp dụng theo Basel thì có thể đã vi phạm ngưỡng an toàn" - ông nói.
Theo thống kê của NHNN đến hết tháng 5/2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của hệ thông đạt 12,14%. Trong đó các NHTM Nhà nước là nhóm có CAR thấp nhất hệ thống chỉ với 9,39%.
Ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, vừa qua Vietcombank đã được phép phát hành cổ phiếu phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng qua quá trình tiếp xúc với nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, ông nhận thấy vấn đề quy định giá vẫn còn tạo khó khăn cho quá trình thực hiện. Nguyên nhân là do giá bán vừa phải đảm bảo không thấp hơn giá định giá vừa không thấp hơn giá thị trường; trường hợp mua lô lớn nhưng phải giữ 1 năm.
Ông đưa ra kiến nghị với Chính phủ cho phép các NHTM Nhà nước bổ sung vốn điều lệ thông qua hình thức giữ lại cổ tức để tăng vốn. Đồng thời cần điều chỉnh lại các cơ chế bán vốn, thoái vốn hiện nay sao cho phù hợp với thị trường vừa có lợi cho các bên.
Được biết trước đó, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành riêng lẻ 10% cho cổ đông nước ngoài của Vietcombank với tối đa 10 nhà đầu tư. Dự kiến nhà đầu tư chiến lược Mizuho sẽ tiếp tục mua để đảm bảo tỷ lệ sở hữu là 15%. Việc tiếp xúc với các nhà đầu tư cũng được tiến hành nhưng chưa đạt được kết quả.
Về kết quả xử lý nợ xấu ông cho biết, sau một năm cơ cấu lại Vietcombank đã xử lý được một lượng lớn nợ xấu nội bảng và ngoại bảng. Trong đó xử lý 6.700 tỷ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42, đạt 170% kế hoạch, đưa nợ xấu về 1,1%. Dự kiến đến 2020 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm nay (30/8), thị giá cổ phiếu VCB dừng lại ở mức 63.800 đồng/cp, giảm 14% so với mức đỉnh 74.700 đồng/cp hồi tháng 3. Khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên liên tiếp là gần 2 triệu cổ phiếu/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu VCB trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: VNDIRECT) |