Chủ tịch Thế Giới Di Động: Phải ưu tiên bảo vệ dòng tiền kinh doanh, sẵn sàng 'sống chung với lũ' 1-2 năm tới
Mới đây, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến cập nhật tình hình kinh doanh tháng 7/2020 với các chuyên viên phân tích, các nhà môi giới và các cổ đông lớn.
Doanh thu tháng 7 giảm 7%, tốc độ mở mới của chuỗi BHX giảm về mức trung bình
Tại cuộc họp, đại diện công ty cho biết tình hình kinh doanh của tháng 7 vừa qua chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt bùng phát trở lại của dịch COVID-19.
Cụ thể, doanh thu tháng 7 của MWG đạt hơn 8.600 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kì năm 2019 nhưng tăng 6% so với tháng 6 nhờ cải thiện doanh thu ở tất cả các chuỗi. Theo chu kì kinh doanh của doanh nghiệp, quí III là mùa hàng bán thấp điểm nhất trong năm đối với các sản phẩm điện thoại - điện máy.
Tổng doanh thu chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện Máy Xanh (ĐMX) trong tháng 7 giảm đến 17% so với cùng kì do sức cầu tiêu thụ các sản phẩm diện tử tiêu dùng giảm phản ánh rõ rệt việc người dân thắt chặt chi tiêu, theo lãnh đạo công ty.
Mặt khác, doanh thu tháng 7/2019 ghi nhận đột biến, khoảng 9.300 tỉ đồng do năm ngoái công ty áp dụng nhiều chương trình tri ân khách hàng dịp 15 năm thành lập. Tuy nhiên so với tháng 6, doanh thu hai chuỗi này vẫn tăng 5%.
Với Bách Hóa Xanh (BHX), trong nửa đầu năm, chuỗi đã thực hiên việc mở rộng mạnh với độ phủ dày đặc nhằm giải phóng các mặt hàng tồn đọng đã kí kết nhưng chưa thể khai trương trong quí I do dịch bệnh cũng như nhanh chóng tăng công suất phục vụ của các kho/trung tâm phân phối (DC) ở khu vực tỉnh lẻ.
Tuy nhiên kể từ tháng 7, chuỗi này bắt đầu giảm tốc độ mở mới mức về mức trung bình 50-80 cửa hàng/tháng để cải thiện chất lượng doanh thu, giảm pha loãng doanh thu bình quân/cửa hàng.
Cụ thể, MWG ghi nhận doanh thu tháng 7 của chuỗi BHX vượt mốc 1.800 tỉ đồng, tăng 80% so với cùng kì và tăng 12% so với tháng 6. Doanh thu bình quân quay trở lại mức 1,2 tỉ đồng/cửa hàng trong tháng vừa qua.
Ưu tiên bảo vệ dòng tiền
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG, tính hoảng loạn trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai đã giảm đi nhiều do người dân bình tĩnh hơn và hiệu ứng mua hàng tích trữ không còn lớn như đợt đầu tiên.
"Tính hoảng loạn đã giảm đi, tuy nhiên sức mua vẫn bị ảnh hưởng do thu nhập của người lao động chưa thể phục hồi. Tôi cho rằng sức mua sẽ trì trệ trong giai đoạn cuối năm và kéo dài đến năm 2021", ông Tài nhấn mạnh.
"Đây không phải là đợt bùng phát dịch cuối cùng, thậm chí ngay cả vắc xin cũng chưa thực sự giải quyết được vấn đề. Do đó, MWG xác định đây là cuộc rượt đuổi của Tom và Jerry, với tinh thần trong 1-2 năm tới là sẽ sống chung với lũ.
Ông Tài nhấn mạnh công ty sẽ chiến đấu đến cùng để hoàn thành mục tiêu đề ra chứ không bàn cách thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2020.
"MWG không thể kiểm soát được thủy triều lên xuống ra sao mà chỉ có thể tìm cách duy trì hiệu quả. Với trường hợp sức mua giảm thì mục tiêu kích cầu là ảo vọng, thậm chí có thể gây ra thua lỗ.
Do đó, định hướng rõ ràng của MWG là bảo vệ lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trên thực tế, doanh thu công ty không còn tăng trưởng mạnh mẽ như trước nhưng lợi nhuận đang được bảo vệ", ông Tài cho hay.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề chia cổ tức năm 2019 cho các cổ đông, Chủ tịch MWG cho biết ĐHĐCĐ đã bật đèn xanh, tuy nhiên ưu tiên số một của công ty lúc này là bảo vệ dòng tiền kinh doanh.
Nếu giữ mức chia cổ tức tiền mặt 15% như các năm trước, dòng tiền kinh doanh sẽ bị lấy đi 600 - 800 tỉ đồng. Do đó, Ban lãnh đạo sẽ xem xét diễn biến của dịch bệnh, cũng như dòng tiền kinh doanh để đưa ra quyết định cuối cùng.
Thế Giới Di Động sẽ không đóng bớt cửa hàng
Thông tin từ Thế Giới Di Động, hiện công ty tạm đóng cửa 31 cửa hàng, bao gồm 29 cửa hàng ở Đà Nẵng và 2 cửa hàng ở Quảng Nam do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nói về tác động của dịch bệnh đến doanh thu hai chuỗi TGDĐ và ĐMX, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT cho biết khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề với doanh thu ước tính trong tháng 7 giảm tới 30%, về mức 400 tỉ đồng. Các khu vực khác như Hà Nội và TP HCM không có nhiều ảnh hưởng.
Hiện MWG đang chiếm khoảng 50% thị phần điện thoại và trên 40% thị phần điện máy. Trong khi thị trường điện thoại đi xuống thì mảng điện máy vẫn còn nhiều cơ hội. Do đó, trong năm nay doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi và mở mới.
Cụ thể, chuỗi TGDĐ sẽ điều chỉnh từ 1.000 xuống 800 cửa hàng, trong khi ĐMX tăng từ 1.000 lên 1.350 cửa hàng. Ông Hiểu Em cũng nhấn mạnh MWG sẽ không đóng cửa các cửa hàng offline hay chuyển định hướng hoạt động sang kinh doanh online.
"Thị trường điện thoại có chững lại, thậm chí đi xuống trong vài năm gần đây nhưng chúng tôi tự tin dù thị trường có giảm thì MWG vẫn có cơ hội gia tăng thị phần nhờ chiếm lấy thị trường của những nhà bán lẻ không thể trụ được sau mùa dịch, đồng thời cung cấp thêm các sản phẩm độc quyền, chất lượng..."
Mục tiêu của hai chuỗi này trong giai đoạn tới đây là khai thác thêm các dịch vụ giá trị gia tăng như trả góp, chuyển tiền, thu chi hộ các hóa đơn... đồng thời tối ưu hóa chi phí hoạt động.
Riêng với kế hoạch thử nghiệm mô hình ĐMX Supermini, ông Hiểu Em cho biết đây là loại hình kinh doanh phù hợp với các thị trường nhỏ.
Các cửa hàng Supermini có diện tích 120 - 150m2 và có đủ các sản phẩm cơ bản với doanh thu thử nghiệm trên 25 cửa hàng đạt 1,1 - 1,2 tỉ đồng/tháng.
Theo ông Hiểu Em, mô hình này rất tiềm năng nhờ chi phí thấp và lãi gộp tốt. Công ty có kế hoạch nhân rộng lên 300 cửa hàng tại 3 tỉnh miền Tây và 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, và hướng đến 1.000 cửa hàng trong năm sau.