|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điện Thoại Siêu Rẻ và những mô hình không như kì vọng của Thế Giới Di Động

07:20 | 08/07/2020
Chia sẻ
Không phải mô hình nào cũng mang lại thành công và lợi nhuận cho Thế Giới Di Động. Vài năm trở lại đây, đế chế bán lẻ này đã không ngần ngại khai tử nhiều mô hình sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt kì vọng.

Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ - Mã: MWG), ông Nguyễn Đức Tài nhiều lần đề cập tham vọng của MWG trong 10 - 20 năm tới là vượt ra phạm vi trong nước, trở thành một "đế chế" bán lẻ của thế giới.

Khởi đầu thành công của Thế Giới Di Động là chuỗi điện thoại thegioididong.com, sau đó là chuỗi Điện Máy Xanh và gần đây là chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng Bách Hóa Xanh. Tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận và chuỗi của TGDĐ được xem là thần tốc, tính đến cuối tháng 5, tổng số điểm kinh doanh thuộc ba hệ thống này đã vượt con số 3.400 cửa hàng.

Tuy nhiên, thực tế, không phải mô hình kinh doanh nào cũng mang lại lợi nhuận và thành công cho MWG. Vài năm trở lại đây, MWG đã không ngần ngại khai tử nhiều mô hình sau một thời gian thử nghiệm nhưng không đạt hiệu quả như kì vọng.

Khai tử Điện Thoại Siêu Rẻ vì thiếu sức cạnh tranh

Điện Thoại Siêu Rẻ và những mô hình không như kì vọng của Thế Giới Di Động - Ảnh 1.

Điện Thoại Siêu Rẻ bị khai tử vì quá rẻ. Ảnh: Phúc Minh.

Cuối tháng 6, Thế Giới Di Động quyết định đóng cửa chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ, kết thúc vòng đời chưa đầy 1 năm của hệ thống cửa hàng nhắm vào phân khúc khách hàng bình dân.

Còn nhớ hồi tháng 8/2019, Thế Giới Di Động bất ngờ ra mắt cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ đầu tiên tại quận Gò Vấp, TP HCM. Với tham vọng "xóa sổ" các cửa hàng điện thoại truyền thống nhỏ lẻ, đúng 1 tháng sau, TGDĐ tiếp tục đồng loạt khai trương gần 10 cửa hàng khác cũng trên địa bàn quận Gò Vấp.

Nhắm vào phân khúc khách hàng bình dân, muốn mua điện thoại giá rẻ từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng so với hệ thống thegioididong.com, vì vậy mô hình của Điện Thoại Siêu Rẻ đã cắt giảm hàng loạt dịch vụ, tiện ích như mặt bằng chỉ từ 20-25 m2, không máy lạnh, wifi, chỉ 1 nhân viên bán hàng…

Cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng điện thoại truyền thống, do đó, những cửa hàng đầu tiên của Điện Thoại Siêu Rẻ đều tập trung hết tại quận Gò Vấp, nơi vừa có mật độ dân số đông vừa có hàng loạt cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ đang hoạt động.

CEO chuỗi điện thoại và điện máy của TGDĐ Đoàn Văn Hiểu Em từng cho biết thế mạnh của mô hình này là giá rẻ phù hợp nhu cầu của người dân, vừa cộng thêm "thương hiệu" của Thế Giới Di Động, do đó, thử nghiệm thành công sẽ nhân rộng qui mô không chỉ tại TP HCM và còn vươn ra các địa phương khác.

Nhưng cuối cùng, chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ lại bị khai tử bởi chính tính chất giá rẻ của mình. Ông Hiểu Em cho biết thời gian qua, doanh thu các cửa hàng Điện Thoại Siêu Rẻ mỗi tháng đạt 300 triệu đồng, tuy đạt mức hòa vốn nhưng vẫn chưa thể sinh lời.

Nguyên nhân là cam kết phân phối hàng chính hãng, giá rẻ nên biên lợi nhuận quá thấp. Trong khi các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ thường có lợi thế về một loạt dịch vụ khác như vừa sửa vừa bán, kiêm luôn bán hàng xách tay.

Mắt kính cũng bị khai tử sau 9 tháng

Điện Thoại Siêu Rẻ và những mô hình không như kì vọng của Thế Giới Di Động - Ảnh 2.

Trái ngược với đồng hồ, TGDĐ đã quyết dẹp khai tử mặt hàng mắt kính sau 9 tháng thử nghiệm. Ảnh: Phúc Minh.

Trước Điện Thoại Siêu Rẻ, tháng 3 năm nay, Thế Giới Di Động cũng đã quyết định ngưng bán mắt kính. 

Cuối tháng 6/2019, chỉ sau 3 tháng thử nghiệm bán đồng hồ, MWG bất ngờ kê thêm tủ mắt kính tại một cửa hàng điện thoại thuộc chuỗi thegioididong.com, nằm tại phường Phước Long B, quận 9, TP HCM. Đây cũng chính là cửa hàng đầu tiên bán mắt kính theo mô hình "shop in shop" của Thế Giới Di Động.

Thế Giới Di Động cho biết thấy được tiềm năng của thị trường mắt kính, qui mô thị trường mắt kính chính hãng thậm chí lớn hơn cả đồng hồ, dao động khoảng 1 tỉ USD. Cơ hội là rất tốt bởi hiện có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ và khách không biết đâu là những nơi uy tín.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em khi đó cho hay cửa hàng đầu tiên có khoảng 600 mẫu mắt kính các loại và nhắm đến phân khúc trung cấp, giá bán từ 600.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm.

Thế Giới Di Động cho rằng cặp đôi đồng hồ và mắt kính thường đi chung với nhau và tập đoàn muốn tăng doanh thu từ mặt hàng này. Tuy nhiên, trong khi đồng hồ có nhiều triển vọng, TGDĐ liên mục mở rộng thì mắt kính lại sớm bị khai tử.

Lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng sở dĩ phải dừng kinh doanh mắt kính vì các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc. Nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp. Do đó, vòng đời mắt kính cũng chỉ duy trì được 9 tháng.

Chuỗi nhà thuốc An Khang thua lỗ

Điện Thoại Siêu Rẻ và những mô hình không như kì vọng của Thế Giới Di Động - Ảnh 3.

Lũy kế đến hết tháng 3/2020, tổng lỗ của chuỗi An Khang xấp xỉ 7 tỉ đồng. Ảnh: Phúc Minh.

Hay với lĩnh vực dược phẩm, trước khi đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang, Thế Giới Di Động cho rằng mảng này rất tiềm năng, khi trên thị trường chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm đến 20% thị phần. "Đế chế" bán lẻ mong muốn mở rộng chuỗi nhà thuốc lên hàng trăm điểm bán khi thấy thời điểm chín muồi.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm đầu tư vào chuỗi nhà thuốc An Khang, hệ thống vẫn chỉ mới có khoảng 20 điểm bán tại TP HCM. Trong khi đó, chuỗi này đã liên tục thua lỗ và đốt dần khoản đầu tư hàng chục tỉ đồng của Thế Giới Di Động.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 của TGDĐ đã cập nhật thêm số lỗ của chuỗi nhà thuốc An Khang trong 3 tháng đầu năm là 1,4 tỉ đồng. Dù ngành dược được cho rằng sẽ hưởng lợi trong dịch bệnh COVID-19, nhưng tình hình kinh doanh của chuỗi nhà thuốc này cũng không nhiều khả quan.

Lũy kế đến hết tháng 3/2020, tổng lỗ của chuỗi An Khang xấp xỉ 7 tỉ đồng. Như vậy, khoản đầu tư 62 tỉ đồng của Thế Giới Di Động tại chuỗi nhà thuốc An Khang chỉ còn lại 55 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, do qui định của pháp luật về việc kinh doanh nhà thuốc còn chưa rõ ràng, hoàn thiện nên doanh nghiệp chưa sẵn sàng đầu tư lớn vào chuỗi nhà thuốc.

"Chúng tôi vẫn đang chờ để cho luật pháp rõ ràng. Nếu luật pháp làm ngon lành, ai cũng như ai được tự do kinh doanh thì Thế Giới Di Động sẵn sàng nhảy vào, bởi hiện nay dễ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp làm ăn bài bản", Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nói với cổ đông và khẳng định TGDĐ không có chủ trương bán chuỗi này để kiếm lời.

Hết vui với trang thương mại điện tử Vuivui.vn

Điện Thoại Siêu Rẻ và những mô hình không như kì vọng của Thế Giới Di Động - Ảnh 4.

Cuối năm 2018, TGDĐ khai tử trang thương mại điện tử Vuivui.com. Ảnh chụp màn hình.

Một mô hình khác của Thế Giới Di Động từng thất bại, buộc tập đoàn phải đóng cửa là trang thương mại điện tử Vuivui.com. 

Cuối năm 2019, Thế Giới Di Động chính thức đóng cửa trang thương mại điện tử này sau 2 năm hoạt động, dù trước đó, Vuivui.com được lãnh đạo doanh nghiệp kì vọng sau 4-5 năm sẽ tăng trưởng vượt mặt chuỗi điện thoại thegioididong.com.

"Chúng tôi tin rằng, những thế hệ đang học cấp 2-3 sẽ có xu hướng mua hàng online nhiều hơn. Vuivui.com là cái mà chúng tôi đầu tư cho tương lai, tập trung vào đại siêu thị rất nhiều ngành hàng", ông Nguyễn Đức Tài từng nói với cổ đông tại đại hội năm 2017.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2017, doanh thu của Vuivui.com chỉ đạt 75 tỉ đồng, đóng góp không nhiều vào cơ cấu doanh thu của công ty mẹ. Đó là lí do Thế Giới Di Động quyết định khai tử đứa con này, và biến nó thành website bán hàng của Bách Hóa Xanh.

Rất hăng hái tấn công vào các mô hình kinh doanh mới, ngành hàng mới nhưng không phải bước tiến nào của Thế Giới Di Động cũng thành công. Ông Nguyễn Đức Tài cũng thừa nhận TGDĐ không ngần ngại mở ra các mô hình mới. 

"Với tôi, thất bại là một phần của cuộc chơi, muốn có được những điều mới mẻ, phải biết chấp nhận vài lần thất bại. Một người nếu quá sợ thất bại thì ngay cả đi làm công cũng không thể, chỉ lên núi gõ mõ là an toàn nhất", ông Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ.

Phúc Minh

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.