|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Samsung đối mặt với án tù

07:18 | 26/11/2024
Chia sẻ
Vụ việc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại quyền lực tập đoàn chaebol, đặt ra tiền lệ mới về quản trị và minh bạch doanh nghiệp tại Hàn Quốc.

Ngày 25/11, tại Tòa án cấp cao Seoul, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án 5 năm tù giam và phạt 500 triệu won đối với Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong trong phiên tòa phúc thẩm liên quan đến các cáo buộc sáp nhập không công bằng giữa Samsung C&T và Cheil Industries, cùng hành vi gian lận kế toán tại Samsung Biologics.

Theo Business Korea, đề nghị này được đưa ra sau 4 năm 2 tháng kể từ khi ông Lee bị truy tố vào tháng 9/2020 và 9 tháng sau khi tòa sơ thẩm tuyên ông vô tội vào tháng 2 năm nay.

Theo lập luận của Viện Kiểm sát, ông Lee cùng các bị cáo khác đã lợi dụng sự bất cân xứng về quyền và thông tin trong nội bộ tập đoàn để phục vụ lợi ích cá nhân, làm suy yếu các cơ chế kinh tế - xã hội. Họ nhấn mạnh rằng phán quyết này sẽ là tiền lệ quan trọng cho các tập đoàn lớn về tái cấu trúc doanh nghiệp và minh bạch kế toán.

 Chủ tịch Samsung, Lee Jae-yong. (Ảnh: Forbes).

"Hành vi của bị cáo đã làm tổn hại các giá trị hiến định, vốn là nền tảng của công lý kinh tế và thị trường vốn," Viện Kiểm sát phát biểu. Họ cũng cáo buộc các bị cáo đã đánh lừa cổ đông khi tuyên bố rằng việc ủng hộ thương vụ sáp nhập là vì lợi ích quốc gia, trong bối cảnh có nhiều sự phản đối từ cổ đông.

Ngoài ông Lee, Viện Kiểm sát còn đề nghị mức án 4 năm 6 tháng tù giam và phạt 500 triệu won đối với ông Choi Ji-sung, cựu Giám đốc Văn phòng Chiến lược Tương lai của Tập đoàn Samsung, và ông Kim Jong-joong, cựu Trưởng nhóm Chiến lược thuộc Văn phòng này. Đồng thời, họ yêu cầu mức án 3 năm tù và phạt 100 triệu won đối với ông Jang Choong-ki, cựu Phó giám đốc Văn phòng Chiến lược Tương lai.

Các cáo buộc chống lại ông Lee và các bị cáo khác bắt nguồn từ thương vụ sáp nhập năm 2015 giữa Samsung C&T và Cheil Industries, một bước quan trọng nhằm củng cố quyền kiểm soát của ông Lee đối với tập đoàn Samsung.

Các nhà phân tích cho rằng thương vụ này được thực hiện với điều kiện bất lợi cho cổ đông của Samsung C&T, nhằm mang lại lợi ích cho ông Lee và gia đình, từ đó thuận lợi hóa quá trình chuyển giao quyền lực.

Viện Kiểm sát cáo buộc các hành vi gian lận kế toán đã được sử dụng để nâng giá trị Cheil Industries, qua đó hợp lý hóa tỷ lệ sáp nhập và tạo lợi thế cho kế hoạch thừa kế của ông Lee.

Tại phiên sơ thẩm, tòa án cho rằng một số bằng chứng không được chấp nhận do quy trình thu thập không hợp lệ trong cuộc khám xét và thu giữ năm 2019 tại các máy chủ của Samsung Biologics và Samsung Bioepis.

Tòa kết luận: "Không thể khẳng định việc sáp nhập hai công ty chỉ nhằm phục vụ quá trình thừa kế của ông Lee, và không có bằng chứng cho thấy tỷ lệ sáp nhập được tính toán để gây bất lợi cho cổ đông của Samsung C&T." Tòa cũng nhận định một phần bằng chứng đã được thu thập trái pháp luật.

Văn phòng Chiến lược Tương lai, cơ quan hoạch định chiến lược dài hạn và tái cấu trúc doanh nghiệp của Samsung, được xác định đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện dẫn đến các cáo buộc trên.

Các cựu lãnh đạo của văn phòng này, bao gồm ông Choi Ji-sung và ông Kim Jong-joong, cũng đối mặt với các cáo buộc tương tự về thao túng thị trường và vi phạm nghĩa vụ.

Phiên tòa này mang ý nghĩa quan trọng đối với quản trị doanh nghiệp và công bằng kinh tế tại Hàn Quốc. Vụ việc đã khơi dậy nhiều tranh luận về quyền lực của các tập đoàn chaebol tại quốc gia này và nhu cầu cải cách nhằm kiềm chế sự chi phối của họ, đảm bảo hoạt động kinh doanh công bằng.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh rằng vụ án sẽ là tiền lệ nhằm thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các tập đoàn lớn.

Thành Vũ