|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch Le Group Ventures: 'Hiếm startup nào thành công với sản phẩm đầu tiên'

12:18 | 27/11/2020
Chia sẻ
Ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Le Group Ventures cho rằng các sản phẩm đem lại thành công cho startup là các sản phẩm được hình thành trong giai đoạn sau.

Tự nhận bản thân mình là "liều và lì", ông Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Le Group Ventures khẳng định việc đầu tư vào startup là một bộ môn mạo hiểm bậc nhất. Ông Khoa cũng từng xuất hiện trên sóng Shark Tank Việt Nam với tư cách nhà đầu tư khách mời.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Giải trí & Truyền thông, ông Khoa tiết lộ 4 startup đầu tiên mà ông đầu tư đều "banh" hết, tức giá trị về con số 0.

"Tuy nhiên với 7 startup gần nhất, chưa thể dùng từ "thắng", nhưng đã "thành", có nghĩa là đang phát triển tốt", ông Khoa chia sẻ.

Từ góc độ của một nhà đầu tư đa ngành, ông Khoa cho rằng có một công thức chung để tìm kiếm các công ty gia nhập hệ sinh thái.

Điều đầu tiên mà Chủ tịch Le Group Ventures nhắc tới chính là sự khác biệt. Ông cho rằng cần phải đánh giá xem một startup giải các bài toán thị trường tốt đến đâu, hơn gì so với những công ty khá hay không.

Tiếp theo, cần phải quan tâm tới qui mô thị trường. Ông dẫn ví dụ về ngành xây dựng hoặc xuất khẩu trái cây, đây đều là những ngành có giá trị hàng chục nghìn tỉ đồng.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông cho rằng rất hiếm có startup nào thành công sau 3 năm với sản phẩm ban đầu.

Chủ tịch Le Group Ventures: 'Hiếm có startup nào thành công với sản phẩm đầu tiên' - Ảnh 1.

Ông Khoa cho rằng các startup nên chạy thử nghiệm trong một thị trường nhỏ để lấy phản hồi trong giai đoạn 3-12 tháng đầu. (Ảnh: Tiểu Phượng)

"Thông thường, sản phẩm khiến startup thành công là một sản phẩm khác. Tuy nhiên, họ luôn phải biết ơn sản phẩm ban đầu", ông Khoa nói.

Ông cho rằng một sản phẩm hoàn hảo chỉ có thể tạo ra khi người "sản xuất" nhận được phản hồi trong vùng an toàn. Chính vì thế, ông thường để các startup chạy sản phẩm nhỏ trong vòng 3-12 tháng ở một thị trường qui mô nhỏ để lấy phản hồi.

Cũng đồng ý với việc đầu tư vào startup là một thương vụ mạo hiểm, nhà đầu tư Nguyễn Thanh Sơn chỉ ra 3 điều mà ông phải đánh cuộc khi rót vốn, đặc biệt trong lĩnh vực truyền thông: Sự sáng tạo của người Việt; người Việt có sẵn sàng trả phí cho nội dung hay không; khả năng công nghệ của người Việt Nam.

Với một startup, ông Sơn đánh giá qua việc liệu công ty đó có đang giải quyết một vấn đề theo cách đơn giản hay không. Tiếp đến, ông quan tâm tới đội ngũ con người, xem liệu đó có phải là những người có thể đi cùng lâu dài hay không. Cuối cùng, ông cho rằng một nhà đầu tư cần nhìn lại xem giá trị có thể đem đến cho startup.

 "Có những công ty không đảm bảo được những thứ như thế, nhưng mình vẫn đầu tư, nhưng rất ít. Mình đầu tư vì nghĩ rằng nó có thể bổ sung cho hệ sinh thái cho các sản phẩm của mình", ông Sơn nhận định.

Tiểu Phượng