|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chủ tịch Fed một lần nữa bác ý tưởng nâng mục tiêu lạm phát

08:09 | 08/03/2023
Chia sẻ
Mặc lời kêu gọi của một số nhà phê bình, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng mục tiêu lạm phát 2% là phù hợp và đang giúp ích cho nỗ lực ổn định giá cả của ngân hàng trung ương Mỹ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: Reuters).

Hôm 7/3, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết mục tiêu lạm phát 2% đã tồn tại hàng thập kỷ qua là yếu tố chính giúp giữ lạm phát ở mức thấp trong nhiều năm.

Ông khẳng định việc duy trì mục tiêu trên sẽ giúp ích cho nỗ lực hạ nhiệt chi phí sinh hoạt của các nhà hoạch định chính sách.

“Quan trọng là chúng tôi phải gắn chặt với mục tiêu lạm phát 2% và không cân nhắc thay đổi gì”, ông Powell nói trong phiên điều trần trước Uỷ ban Ngân hàng Thượng viện.

Mục tiêu 2% “thực sự là một mỏ neo cho lạm phát”, bởi “kỳ vọng của người dân về lạm phát sẽ có tác động thực lên lạm phát. Nếu bạn dự đoán lạm phát lên 5% thì nó sẽ tăng lên mức đó”, ông nhấn mạnh.

Nhìn chung, Chủ tịch Fed tin rằng ngân hàng trung ương Mỹ cần mỏ neo đó ngay lúc này, theo Reuters.

Kể từ đầu năm ngoái, Fed đã tăng mạnh lãi suất và giảm quy mô bảng cân đối kế toán để khống chế lạm phát ở mức cao nhất trong hàng chục năm.

Sự gián đoạn hoạt động kinh tế trong đại dịch, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao - một phần do các gói kích thích của chính phủ - đã kéo lạm phát đi lên sau nhiều năm không chạm tới mức mục tiêu 2% của Fed.

Những nỗ lực về chính sách tiền tệ của Fed đã đưa lãi suất chuẩn tại Mỹ từ mức gần 0 lên phạm vi 4,5 - 4,75% hiện tại.

Cũng trong phiên điều trần, ông Powell đã lưu ý rằng Fed có thể đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cũng như kéo lãi suất lên mức cao hơn nếu lạm phát và các dữ liệu kinh tế vẫn tiếp tục nóng.

Lạm phát tiêu dùng tại Mỹ hiện vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Fed.

Đẹp cả đôi đường

Trong khi Fed hành động để giải quyết vấn đề lạm phát, ngân hàng trung ương này cũng gây lo ngại rằng việc tăng lãi suất sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái và kéo tỷ lệ thất nghiệp lên mức cao không thể chấp nhận được.

Một số nhà phê bình cho rằng Fed có thể nâng mục tiêu lạm phát, giúp họ dễ dàng đạt được con số lạm phát như mong muốn đồng thời giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế chung.

Các quan chức Fed đã nhiều lần phản bác ý tưởng này. Theo Reuters, họ tin rằng động thái đó sẽ làm giảm uy tín của Fed trên thị trường tài chính và trong mắt công chúng nói chung.

Các quan chức không muốn trong tương lai, công chúng sẽ hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ thay đổi mục tiêu lạm phát mỗi khi gặp phải thách thức.

Ngoài ra, các nhà hoạch định chính sách cũng tin rằng việc cho phép lạm phát tăng lên trên mức 2% sẽ tạo áp lực giá cả cao cho nền kinh tế và khiến cuộc chiến chống lạm phát trong tương lai trở nên khó khăn hơn nhiều.

Không chỉ Fed, các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đặt mục tiêu lạm phát 2%. Ngân hàng trung ương New Zealand là cơ quan đầu tiên thử áp dụng mục tiêu 2% này.

Các ngân hàng trung ương lập luận rằng mục tiêu 2% mang lại cho họ một bộ đệm. Nó không quá cao để kích thích giá cả tăng vọt và cũng không quá thấp để giá cả sụt mạnh, cả hai việc đều gây hại cho nền kinh tế.

“Nếu chúng tôi đặt mục tiêu ở mức 0%, tức là giá cả ổn định, nền kinh tế không có lạm phát, thì nghe cũng có lý”, ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, cho hay hồi tháng 1.

Tuy nhiên, “nếu chúng tôi cố gắng đẩy lạm phát xuống mức thấp như vậy, thì cũng có nguy cơ lãi suất mục tiêu của Fed sẽ về 0, hạn chế dư địa chính sách tiền tệ của chúng tôi”, ông tiếp lời.

“Lạm phát 2% là một con số lý tưởng, giúp cân bằng giữa mục tiêu ổn định giá cả và mục tiêu toàn dụng việc làm. Đây là chúng tôi đã tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến tác động qua lại giữa hai mục tiêu”, ông Williams cho hay.

Khả Nhân

Chứng khoán Mỹ phân hóa mạnh: Dow Jones giảm liền 8 phiên, Nasdaq Composite lại lập kỷ lục
Chứng khoán Mỹ ghi nhận kết quả trái chiều trong phiên giao dịch trước thềm cuộc họp của Fed. Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt Nasdaq Composite và S&P 500 tiếp tục đi lên, trong khi Dow Jones quay đầu giảm.