|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Dabaco: Heo ăn hết sổ đỏ của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp

09:55 | 09/10/2021
Chia sẻ
Với giá heo hơi 36.000 - 37.000 đồng/kg, heo đang ăn hết sổ đỏ của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp nếu các Bộ không có chính sách kịp thời và dự báo sớm, Chủ tịch Dabaco Nguyễn Như So cho biết.

Doanh nghiệp cũng lao đao vì heo

Tại hội nghị "Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022", ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco cho biết nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng thịt heo đưa ra thị trường giảm khoảng 9.000 tấn/tháng.

Tổng đàn heo của công ty ở các tỉnh vẫn ổn định nhưng số heo quá lứa 120 – 130 kg vẫn còn khá nhiều, heo con đẻ ra không có chỗ nuôi.

"Cả Dabaco và C.P. Việt Nam đều đang có lượng lớn heo 33 – 34 tuần tuổi, phải bán nối tiếp 2 tháng mới hết số heo cũ. Do đó, Cục Chăn nuôi cân nhắc xem xét việc cuối năm có thực sự thiếu nguồn cung không?", ông So nói.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang mở rộng quy mô, xây thêm trang trại. Đơn cử như Dabaco trong năm 2022 có thể tăng lên 15.000 – 18.000 heo nái, năng suất đạt 28 heo con/nái.

Trong khi, giá heo hơi ở miền Bắc giảm xuống 36.000 – 37.000 đồng/kg, giảm 40 – 50% so với đầu năm. Với mức giá này, ngay cả những doanh nghiệp chủ động 60% thức ăn chăn nuôi cho đàn heo cũng lao đao.

Chủ tịch Dabaco: Heo ăn hết sổ đỏ của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Cập nhật giá heo hơi từ tháng 1 đến ngày 9/10. (Biểu đồ: Hoàng Anh)

Chi phí nuôi một con heo đang ở mức rất cao. Ở các doanh nghiệp, chúng tôi chi 1 triệu đồng sản xuất heo giống; 2,7 triệu đồng cho thức ăn chăn nuôi; 1.400 – 1.700 đồng thuốc thú ý; 7.000 đồng chi phí chuồng trại; tỷ lệ chết/sống 5% giá thành một con heo…

Heo ăn hết cả sổ đỏ của nông dân, không còn gì để vay, thế chấp ngân hàng.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam

"Giá cước vận chuyển bằng giá mua ngô do đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, các đơn vị sản xuất thức ăn hầu như không có lợi nhuận dù doanh số bán hàng vẫn tăng mạnh so với năm 2020.

Giá heo cứ cao lại thấp thất thường, nông dân sẽ tiếp tục lỗ và lỗ mãi nếu không có chính sách kịp thời và dự báo sớm. Heo ăn hết cả sổ đỏ của nông dân, không còn gì để vay, thế chấp ngân hàng nữa", ông So nói.

Như vậy, ở thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá heo giảm sâu, những doanh nghiệp đầu ngành như Dabaco cũng đang khó có thể duy trì tăng trưởng và lợi nhuận.

Mới đây, Dabaco công bố doanh thu quý III ước đạt 4.133 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái song lợi nhuận sau thuế lại giảm 64% còn 138 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Dabaco ước đạt 13.669 tỷ đồng, tăng gần 85% so với 9 tháng năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 718 tỷ đồng, giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân là nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng - sản xuất – chế biến – tiêu thụ; các hoạt động giao thương, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế và đình trệ.

Do đó, đại diện Dabaco cũng cho rằng Bộ NN&PTNT cần có chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, ổn định.

Vị này kiến nghị các Bộ cần phối hợp, giải quyết vấn đề lưu thông, những quy định không đồng nhất giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho việc cung ứng thực phẩm, giải tỏa nguồn heo ứ đọng trong các trang trại.

Đồng thời, Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi để giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân.

"Có rất nhiều chính sách miễn, giảm thuế nhưng việc tiếp cận của nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp lại rất khó.

Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng có điều khoản Nhà nước xây dựng kho lạnh dự trữ quốc gia để cân bằng cung – cầu nhưng đến nay không biết Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương phụ trách việc này?", ông So nhấn mạnh.

Vì sao chưa có kho lạnh, chính sách bình ổn khi giá heo hơi chạm đáy?

Trao đổi với người viết về vấn đề kho lạnh, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết dù Luật Chăn nuôi có quy định này nhưng hiện năng lực vẫn chưa đủ và những yếu tố khách quan cũng khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực bảo quản thịt heo.

Cụ thể, việc dự trữ thịt heo tiềm ẩn nhiều rủi ro như chi phí bảo quản cao hơn giá thành, xác suất kiểm dịch trước và sau khi cấp đông, diện tích kho lạnh của doanh nghiệp hạn chế…

Bên cạnh đó, thị hiếu của người Á Đông thích tiêu thụ thịt nóng, vì vậy năm 2017 dù giá thịt heo rẻ nhưng cũng không khuyến khích được doanh nghiệp dự trữ.

Trở lại thời điểm năm 2020, khi giá heo hơi chạm đỉnh 100.000 đồng/kg, Thủ tướng yêu cầu bộ, các địa phương triển khai bình ổn giá thịt heo, cân bằng cung – cầu cho người dân.

Chủ tịch Dabaco: Heo ăn hết sổ đỏ của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp - Ảnh 4.

Còn khoảng 8 triệu con heo quá lứa đang tồn ở các trang trại. (Ảnh: VnEconomy)

Song đến nay, khi giá heo hơi chạm đáy hai năm, nhiều người chăn nuôi thắc mắc rằng, vì sao chưa có chính sách bình ổn, khuyến khích nông dân tái đàn, đảm bảo nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần?

"Thịt heo chiếm 70% trong giỏ thực phẩm của người Việt nhưng việc đưa sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt heo vào mặt hàng bình ổn là rất khó, không thể ngày một ngày hai.

Hiện nay, thị trường chăn nuôi đang rất phức tạp, không ổn định vì tỷ lệ chăn nuôi nông hộ vẫn đang chiếm 50% về sản xuất thịt heo", ông Trọng nói.

Do đó, chiến lược ngành chăn nuôi đến năm 2030 sẽ cân bằng lượng tiêu thụ thịt heo còn 60%, thịt gia cầm 30% và thịt gia súc ăn cỏ 10% trong giỏ thực phẩm của người Việt, đưa tỷ lệ này đến gần hơn với thế giới.

Còn hiện nay, người Á Đông vẫn tiêu thụ lượng lớn thịt heo nên khi lĩnh vực nuôi heo biến động sẽ ảnh hưởng đến cục diện toàn ngành chăn nuôi.

Hoàng Anh