|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19

13:41 | 23/07/2020
Chia sẻ
Đơn hàng xuất khẩu và nội địa khan hiếm vì dịch bệnh COVID-19 khiến các nhà sản xuất Trung Quốc tìm tòi các lựa chọn thay thế để thanh lí hàng tồn kho.

Theo South China Morning Post, nhiều năm qua, các quầy hàng di dộng trải dài hai bên đường phố vốn được coi là tác nhân làm mất cảnh quan đô thị, là đại diện cho mất trật tự và lạc hậu trong mắt chính quyền Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 dường như đã thay đổi góc nhìn của giới chính trị gia Trung Quốc với nền kinh tế "ẩn dật" này. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã ca ngợi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên vì "tạo ra 100.000 việc công ăn làm thông qua việc cho phép 36.000 quầy bán hàng rong hoạt động".

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Các chủ doanh nghiệp sản xuất nhỏ ở Trung Quốc sống qua ngày nhờ các gian hàng rong ven đường. (Ảnh: SCMP).

Tuy nhiên, chính quyền các thành phố đô thị lớn hơn như thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn còn "hiềm khích" với cách thức bán hàng này, cho biết "nền kinh tế bán hàng rong" không phù hợp với các kế hoạch của thành phố. Một số địa phương thậm chí còn tuyên bố sẽ đẩy mạnh công tác kiểm soát những người bán hàng rong trên các đường phố.

Sở hữu hàng chục ngàn bộ váy chưa bán được trong kho, ông Huang Weijie biết rằng nếu không sáng tạo, công ty ông sẽ không sống nổi qua giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu.

Huang Weijie sở hữu một nhà máy may mặc ở tỉnh Quảng Đông, trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc. Giống như những doanh nghiệp sản xuất nhỏ khác, nhà máy của ông Huang chật vật tồn tại với lượng đơn hàng cạn kiệt theo từng ngày.

Ông chủ 44 tuổi quyết định xuống phố, mở quầy bán hàng rong ngay trên chiếc xe ô tô của mình. Cuối cùng nhận ra không chỉ ông, các nhà sản xuất nhỏ lẻ khác ở Trung Quốc cũng có ý tưởng tương tự.

Thời buổi chủ nhà máy cũng xuống phố bán hàng rong

Chỉ mới hồi đầu năm, những người bán hàng rong kiếm sống phần lớn vẫn được xã hội Trung Quốc nhìn nhận là là những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp.

Nhưng khi đại dịch xảy đến, gây thiệt hại nặng nề cho cả hoạt động xuất khẩu lẫn doanh số bán hàng nội địa, khiến hàng chục triệu việc làm có nguy cơ bị xóa xổ, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ như ông Huang không còn cách nào khác ngoài việc xuống phố để tồn tại.

"Tôi từng nghĩ đến việc đóng luôn nhà máy, nhưng sự ủng hộ với 'nền kinh tế bán hàng rong' của Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thôi thúc tôi thử sức với cách thức bán hàng mới lạ này", ông Huang chia sẻ với tờ South China Morning Post.

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19 - Ảnh 2.

Ông Huang Weijie chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất nhỏ thời COVID-19 tại Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Quyết tâm sống sót qua dịch, ông Huang tìm tòi đến các phố bán hàng rong khác nhau khắp tỉnh Quảng Đông, trả tiền thuê lô để lập gian hàng ở từng khu phố. Theo sau là những gian hàng rong ở các thành phố lân cận như Đông Quan và Trung Sơn.

Song, ông thừa nhận rằng rất khó để thiết lập các quầy hàng trên đường phố trong các trung tâm thương mại ở Quảng Đông, hay các thành phố lớn như Quảng Châu, Đông Quan và Thâm Quyến. Các cụm bán hàng rong chủ yếu phổ biến ở các thành phố hoặc thị trấn nhỏ, tập trung xung quanh các khu công nghiệp và nhà máy.

Có hàng chục ngàn hàng may mặc tồn kho từ cuối năm ngoái, ông Huang đầu tiên cố bán hàng ở các chợ bán buôn và cửa hàng bán lẻ ở Quảng Châu, nhanh chóng nhận ra không cải thiện nhiều.

"Doanh số bán hàng tại các chợ bán buôn quần áo giảm mạnh, trong khí có rất ít người mua từ nước ngoài", ông Huang Weijie thở dài.

Sau lời chứng thực của Thủ tướng, ông Huang bắt đầu xem xét các thị trường bán rong đường phố mới nổi, tìm cách bán lượng hàng tồn kho lớn. Đồng thời, xem xét khả năng duy trì dòng tiền ổn định cho phép nhà máy tiếp tục vận hành ở mức tối thiểu cho đến cuối năm nay, thay vì đóng cửa vĩnh viễn.

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19 - Ảnh 3.

Không trông cậy vào các chợ bán buôn, các nhà sản xuất tìm đường thanh lí hàng tồn trên đường phố Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).

Chuyện không của riêng ai

Tình trạng khó khăn đang là hoàn cảnh chung của nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc. Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất nhỏ - từ giày dép đến quần áo đến thiết bị phần cứng, bất kể sản xuất để xuất khẩu hay bán nội địa – đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Những công ty nhỏ hiện phải đối mặt với tình hình thiếu vốn trầm trọng, không thể tiếp tục hoạt động trong khi hàng tồn tồn đọng ngày một tăng.

"Mọi người ai cũng mong chờ hàng xuất khẩu phục hồi, nhưng điều đó chỉ là mong ước khi các trường hợp nhiễm COVID-19 liên tiếp leo thang trên toàn cầu", ông Huang nhận xét. Ông nhấn mạnh các doanh nghiệp sản xuất không có tiền trang trải chi phí vận hành các nhà máy vì hết sạch tiền.

Ông Liang Lu, nhà điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất ở Đông Quan, Trung Quốc, thừa nhận với SCMP có hàng loạt các công ty sản xuất buộc phải khẩn trương bán hết hàng tồn kho để đóng cửa.

Tuần trước, ông Lu tiết lộ một nhà máy sản xuất vớ đến tìm sự giúp đỡ từ hiệp hội, mong muốn bán 4 triệu đôi tất trong kho. Trong tuần, một nhà máy sản xuất giày dép khác thông báo hàng chục ngàn đôi giày tồn kho trị giá 16 triệu nhân dân tệ vẫn đang nằm yên phủ bụi.

Ngày 15/7, hãng sản xuất giày Lida có trụ sở tại Quảng Châu tuyên bố đóng cửa, khiến 1.200 nhân viên tại đây mất việc. Công ty cho biết quyết định được đưa ra do hoạt động kinh doanh xuất khẩu bị tổn hại nghiêm trọng bởi đại dịch cùng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Trong tuyên bố với nhân viên, công ty cho biết ban giám đốc không còn biện pháp nào để tăng đơn hàng và dòng tiền, mọi nỗ lực của công ty đều không đem lại kết quả như kì vọng, buộc họ không còn cách nào khác ngoài việc đóng cửa.

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19 - Ảnh 4.

Ông Huang chia sẻ phải bôn ba khắp các phố bán hàng rong để thanh lí hàng chục ngàn hàng tồn kho. (Ảnh: SCMP).

Thanh lí hàng tồn kho bằng mọi giá

Vào tháng 5, ông nỗ lực bán hàng tồn trên phố Shangxiajiu, khu mua sắm sầm uất nhất Quảng Châu, nhưng không thành. Phố Shangxiajiu nổi tiếng với hàng trăm cửa hàng bán lẻ, được xem là nơi tốt nhất để quan sát tình trạng chi tiêu của người tiêu dùng Quảng Đông.

Theo ông Huang quan sát, ngày càng có ít người và doanh nghiệp hoạt động tại các khu chợ buôn Quảng Châu, nơi từng là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất Trung Quốc, tất bật với lượng đơn hàng khổng lồ cho thị trường nội địa và toàn cầu.

Dù giá thuê giảm gần một nửa, từ 6.000 nhân dân tệ (NDT) một tháng xuống còn 3.500 NDT/tháng, tiền vào cũng không thấm là bao so với tiền phải chi ra.

Trước mùa COVID-19, Quảng Đông là nơi cư trú của hơn 40 triệu người lao động di cư từ khắp Trung Quốc, cho nên ông Huang đã rất trông chờ vào doanh số bán hàng ở Shangxiajiu. Song, mọi thứ không như là mơ.

"Một tháng cửa hàng Shangxiajiu của tôi kiếm được chưa đến 4.000 NDT. Tôi nghĩ sức chi người dân di cư sống ở Quảng Đông hạ thấp hơn trước rất nhiều, mặt khác, nhiều người khác rời đi vì các nhà máy đóng cửa", ông Huang tiết lộ.

Chủ nhà máy Trung Quốc trông cậy vào bán hàng rong để sống qua mùa COVID-19 - Ảnh 5.

Khu phố đi bộ Shangxiajiu là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất Quảng Đông, nay thành chiến trường hạ giá của hàng trăm cửa hàng tuyệt vọng tìm cách đẩy hàng tồn bằng mọi giá. (Ảnh: Guangzhou).

Rơi vào cảnh cùng quẫn, các cửa hàng trong khu phố mua sắm này dấy lên cuộc chiến giá cả khốc liệt, tuyệt vọng bán hết hàng tồn kho.

"Tất cả mọi người đang đua nhau giảm giá để giảm hàng tồn kho, khi một công ty bắt đầu giảm giá còn 40 NDT, người khác sẽ hạ xuống 35, rồi những công ty khác sẵn sàng bán ở mức 30 thậm chí 20 NDT", ông Huang cho biết.

Tuy nhiên, dù cạnh tranh giá cả khốc liệt, doanh số của các cửa hàng vẫn rất thấp. Thực tế, điều kiện của các nhà sản xuất nhỏ lẻ có thể còn chuyển biến xấu hơn trước khi khả quan trở lại.

Ông Simon Zhao, Phó khoa nhân văn và khoa học xã hội của một trường cao đẳng, dự báo rằng các nhà máy tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục "kín cổng cao tường" do cả nhu cầu nội địa và ngoài nước đều ở mức yếu trong những tháng tới.

"Tình trạng này sẽ còn tiếp tục cho đến khi năng lực sản xuất của những người tham gia thị trường cân bằng với nhu cầu thị trường", ông Zhao nhận xét.

Điêu Quân