|
 Thuật ngữ VietnamBiz

Hưởng ứng kích cầu du lịch, nhưng một số doanh nghiệp giảm giá rồi cắt bớt dịch vụ

08:50 | 22/07/2020
Chia sẻ
Tổng cục Du lịch nhận định một số doanh nghiệp du lịch lữ hành thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch, ảnh hưởng tâm lí, niềm tin của du khách.
Kích cầu du lịch, có hiện tượng giảm giá rồi cắt bớt dịch vụ - Ảnh 1.

Kích cầu du lịch, có hiện tượng giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ. Ảnh minh hoạ: Phúc Minh.

Tổng cục Du lịch vừa có công văn gửi Sở Quản lí du lịch các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường quản lí, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các địa phương.

Theo Tổng cục Du lịch, chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ và nhanh chóng của hầu hết các địa phương, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch trên phạm vi cả nước.

Các tỉnh, thành phố, nhất là các địa bàn du lịch trọng điểm đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu như tổ chức các chương trình phát động, giới thiệu điểm đến an toàn, thân thiện, kết nối doanh nghiệp, hợp tác du lịch, hàng không và các điểm tham quan, vui chơi giải trí để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều ưu đãi và mức giá hợp lí.

Chương trình bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, thu hút nhiều khách du lịch nội địa, từng bước phục hồi hoạt động du lịch tại các địa phương.

"Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng tâm lí, niềm tin của du khách", Tổng cục Du lịch nhận định.

Do đó, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lí du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lí nghiêm cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch. 

Đồng thời, Tổng cục Du lịch chỉ đạo các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch kiểm soát chất lượng dịch vụ; rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng.

Công văn yêu cầu bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả bộ phận, khâu phục vụ nhằm đáp ứng qui trình chuẩn trong phục vụ khách, tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống.

Tổng cục Du lịch còn đề nghị các địa phương, điểm du lịch đảm bảo thông suốt đường dây nóng, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Phúc Minh

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.