Chủ động khai thác lợi thế từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bằng thương mại điện tử xuyên biên giới
Việt Nam chưa chắc hưởng lợi từ thương chiến Mỹ - Trung
Tại Diễn đàn "Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU" do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức ngày 18/7 tại TP HCM, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam chưa chắc hưởng lợi nhiều từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà trái lại nhiều ngành đang phải chịu tác động tiêu cực.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, cho biết ngành sợi Việt Nam có giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi năm trên 3 tỉ USD, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 2,4 tỉ USD.
Tuy nhiên năm nay, ngành sợi Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc với một tỉ lệ rất nhỏ so với mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp của mình xuất khẩu sợi ngược lại vào Việt Nam.
Mặc khác khi Mỹ áp thuế 25% lên hàng may mặc Trung Quốc thì họ quay sang ép sợi Việt Nam phải giảm giá 15% họ mới mua. Vì vậy, ngành sợi gần như bị đóng cửa với thị trường Trung Quốc, ông Giang nói.
Toàn cảnh diễn đàn "Đối đầu Thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU" diễn ra ngày 18/7 tại TP HCM. Ảnh: Như Huỳnh.
Đây cũng là tình hình chung của ngành xuất khẩu Việt Nam mà bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phó Trưởng ban pháp chế VCCI chia sẻ.
"Trong 5 tháng đầu năm nay, trừ thị trường Mỹ, xuất khẩu từ Việt Nam đi tất cả thị trường đều giảm tốc. Trong đó thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất.
Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2019, thị trường Trung Quốc chỉ tăng 1,4% trong khi năm 2018, tăng trưởng 38% so với cùng kì 2017.
Chúng ta đang phải chịu thâm hụt thương mại với nước này khi Trung Quốc tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu từ Việt Nam", bà Trang cho hay.
Còn theo ông Vũ Bá Phú, Cục Trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết điều đáng lo ngại nhất khi Việt Nam đang là điểm đến lẩn tránh thuế, không chỉ mỗi mặt hàng đồ gỗ, may mặc mà nhiều hàng hóa khác như cả linh kiện điện tử, máy tính.
"Các mặt hàng này thường xuất khẩu sang Mỹ rất ít bỗng dưng tăng lên trăm phần trăm, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc mặt hàng này cũng rất cao. Điều này rõ ràng khó khiến Mỹ chấp nhận được", ông Phú nói.
Cơ hội tiếp cận thị trường bằng xuất khẩu trực tuyến
Theo các chuyên gia, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU đã ghi nhận thương mại điện tử làm gia tăng cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, do đó, để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới, trong ngắn hạn, xuất khẩu trực tuyến là một trong những kênh hiệu quả nhất.
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam cho biết thương mại điện tử xuyên biên giới đã trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. Có tới 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
"Xuất khẩu trực tuyến được đánh giá là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận đến mọi thị trường, kể cả những thị trường đang có tranh chấp thuơng mại.
Về dài hạn, đây là xu hướng tất yếu giúp đơn vị sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường, giảm chi phí…", ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Như Huỳnh.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết từ đầu tháng 1/2019, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch hợp tác tầm nhìn 3 năm với Amazon Global Selling.
Theo đó, đến tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại khởi động chương trình xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, lựa chọn hơn 100 doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp cận thị trường Mỹ.
Doanh nghiệp tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng thường xuyên và 100 triệu khách hàng Prime. Thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được phủ rộng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, tiềm năng tiếp cận khách hàng trực tiếp, giảm nhân sự bán hàng, nhanh chóng mở rộng qui mô và doanh số… ông Phú cho hay.
Lí giải nguyên nhân, ông Phú cho biết sàn xuất khẩu trực tuyến cho phép doanh nghiệp truyền thông tin sản phẩm đúng cách đến khách hàng tiềm năng dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu hành vi người tiêu dùng, từ đó chọn lựa thị trường và khách hàng.
Mặt khác, điều này cũng đáp ứng yêu cầu người mua hiện nay là người quyết định giao dịch nhanh và có xu hướng chia sẻ thông tin hàng hóa.
"Dự báo đến năm 2022, thương mại điện tử sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với thương mại truyền thống. Đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỉ USD trong 2 năm tới", đại diện Bộ Công Thương dự báo.
Nhiều trở ngại cần được quản lí thương mại điện tử
Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng không ít.
Theo các chuyên gia, quản trị rủi ro trong hợp đồng là vấn đề quan trọng nhất trong kinh doanh quốc tế, bởi đây là giải pháp bảo vệ người bán cũng như người mua.
Chính vì vậy, tất cả thông số kĩ thuật liên quan đến sản phẩm nên được mô tả rõ ràng, ngay cả những yêu cầu đóng gói.
Trong khi đó, thách thức lớn của doanh nghiệp là làm sao cho hàng hóa lưu thông, do đó thanh toán được xem như một phần quan trọng để kiểm soát quá trình giao dịch hay quản trị rủi ro trong giao dịch vận quốc tế cần bảo hiểm xuất khẩu.
Ngoài ra, trở ngại chính là nguồn lực để triển khai thương mại điện tử tại doanh nghiệp không có, không có nơi đào tạo, nghiên cứu thị trường địa phương để lên chiến lược cụ thể phù hợp, rào cản về ngôn ngữ, thủ tục và giấy phép liên quan xuất khẩu trực tuyến, vận chuyển trong thương mại điện tử.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM, cho hay trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến mọi lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp cần đánh giá và có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Điều tiên quyết là doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, thứ hai là nắm bắt công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin.
Ngoài ra khi tham gia kinh doanh xuyên biên giới, doanh nghiệp phải chuyên nghiệp trong tuân thủ luật, thông lệ quốc tế và tập trung chính xác vào nhu cầu, cũng như thị hiếu tiêu dùng của khách hàng.