|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Chọn mô hình quản lý vốn nhà nước đáng ra phải xong 20 năm trước'

12:01 | 27/04/2017
Chia sẻ
Nếu không xác định được thứ tự ưu tiên về chính trị hay hiệu quả kinh doanh, việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước theo hướng cơ quan quản lý nhà nước hay doanh nghiệp của Việt Nam sẽ bàn mãi không đến hồi kết.
chon mo hinh quan ly von nha nuoc dang ra phai xong 20 nam truoc
Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: NAnh).

Lựa chọn bằng tung đồng xu

"Đáng ra từ 20 năm trước Việt Nam đã phải lựa chọn xong mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rồi", PGS.TS Đinh Văn Nhã tâm tư tại hội thảo Mô hình quản lỹ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam sáng nay (27/4).

Chính sách này có độ trễ quá lớn, theo PGS. TS Đinh Văn Nhã, việc thực hiện lựa chọn này cấp bách gấp bội, tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn loay hoay giữa hai mô hình cơ quan quản lý này nên là cơ quan nhà nước hay một doanh nghiệp.

Đề án về việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã đưa ra 2 mô hình.

Mô hình 1: cơ quan chuyên trách sẽ là một ủy ban thuộc Chính phủ với hai phương án.

Phương án 1 là thành lập một cơ quan chuyên trách hoàn toàn mới trên cơ sở điều chuyển cán bộ tại các bộ, ngành liên quan, bổ sung một số nhân sự đủ điều kiện từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Phương án 2 là nâng cấp SCIC thành Ủy ban Quản lý doanh nghiệp.

Mô hình 2: cơ quan chuyên trách là một doanh nghiệp. Theo đó sẽ tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC là doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu (tăng địa vị pháp lý, nhân lực).

Lựa chọn mô hình doanh nghiệp hay quản lý nhà nước khó bởi quá "tham lam" mục tiêu. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng cũng như các đề án khác, đề án về quản lý vốn nhà nước qua đa mục tiêu và không có thứ tự ưu tiên.

"Chúng ta vừa muốn tách bạch để nâng cao hiệu quả quản trị, nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh, muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng vẫn muốn giữ vài trò điều hành doanh nghiệp nhà nước như một công cụ chính trị. Không một mô hình nào thực hiện được đa mục tiêu", ông Thành chia sẻ.

Mô hình doanh nghiệp lợi ích nhất là tập trung được tối đa hóa lợi ích cổ đông, nhà nước với vai trò là cổ đông trong doanh nghiệp. Còn mô hình nhà nước sẽ giữ được mục tiêu chính trị. Việt Nam buộc phải đưa ra lựa chọn. "Nếu không xác định được thứ tự ưu tiên, bàn mãi cũng vậy thôi, không đi đến hồi kết", ông Thành cho biết.

Lựa chọn SCIC hoặc một vài SCIC

PGS. TS Đinh Văn Nhã đưa ra 8 mục tiêu để đánh giá tính khả thi của các mô hình cho việc thành lập cơ quan chuyên trách chủ sở hữu vốn nhà nước. Vị chuyên gia cho biết, nếu mô hình doanh nghiệp thực hiện tốt 6/8 mục tiêu thì ngược lại mô hình cơ quan nhà nước lại thực hiện "tệ" 6 mục tiêu đó.

Chỉ tính riêng mục tiêu nâng cao hiệu quả vốn và tài sản nhà nước, theo ông Nhã, mô hình cơ quan nhà nước là ủy ban chuyên trách không thể đáp ứng được. "Mô hình quản lý vốn do cơ quan nhà nước nắm chỉ khá hơn được cách quản lý bằng Bộ chủ quan hiện nay", ông Nhã đánh giá.

Ông cho rằng mô hình cơ quan quản lý vốn là doanh nghiệp sẽ xử lý tương đối triệt để các vấn đề. Không có mô hình nào tính ưu việt như SCIC trong việc quản lý vốn nhà nước hiện nay.

"Lựa chọn mô hình doanh nghiệp có thể là một SCIC hoặc một vài doanh nghiệp tổng công ty có chức năng như SCIC để quản lý vốn nhà nước", ông Nhã đưa ra gợi ý.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ích Hạnh - Phó Chánh văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng "không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ", có thể nghĩ tới việc thành lập một vài tổng công ty quản lý vốn như SCIC để quản lý vốn theo ngành dọc.

Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá, mô hình doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí hơn so với một cơ quan nhà nước.

"Thời gian chúng ta quá chú trọng đến việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các mệnh lệnh chính trị, điều tiết kinh tế vĩ mô. Chính "hành động" phi thị trường nãy dẫn đến hậu quả thua lỗ như 12 dự án "nghìn tỷ" ngành Công Thương", ông Nguyên Xuân Thành chia sẻ. Theo ông nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, nên tập trung vào hiệu quả kinh doanh và nâng cao tài sản nhà nước. Vì vậy, lựa chọn mô hình doanh nghiệp sẽ tối ưu trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.

Ông Thành cho rằng điều quan trọng nhất hiện nay là tập trung vào con người - những người sẽ đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nắm vai trò điều hành sử dụng hiệu quả nguồn vốn ấy.

Nam Anh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.