Cho vay ngang hàng: Cần kiểm soát chặt
Không để cho vay ngang hàng thành tín dụng đen | |
Những lợi ích của mô hình cho vay ngang hàng |
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự bùng nổ của các Fintech, nền tảng cho vay ngang hàng (P2P) đang hoạt động ngày càng rầm rộ, nhất là trong vòng 2 năm trở lại đây. Hiện một số công ty đang biết đến nhiều trong hoạt động này như Lenbiz, Tima… Điểm tích cực nổi bật của mô hình P2P theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu là giúp cho nhiều người tiếp cận vốn một cách dễ dàng, nhất là những người không đủ tiêu chuẩn vay vốn ngân hàng, không có tài sản bảo đảm thế chấp. Cho vay ngang hàng: Cẩn trọng kẻo mất tiền oan
Ngoài ưu điểm trên, theo LS. – TS. Bùi Quang Tín, nhờ thủ tục đơn giản, chỉ cần điền vào một mẫu đơn xin vay trực tuyến có sẵn, một số giấy tờ liên quan, chờ xác nhận và khoản vay có thể được phê duyệt chỉ sau 30 phút là khách hàng có thể vay nhanh với giá trị vay rất thấp chỉ một vài triệu đến vài chục triệu. Điều mà các ngân hàng, công ty tài chính khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người vay.
Cần đọc kỹ nội dung trên hợp đồng nhất là về lãi suất phạt |
Với ưu điểm không cần chứng minh tài chính, thời gian giải ngân nhanh, số lượng khách hàng đến với các mô hình P2P này ngày càng nhiều. Theo các chuyên gia, trong số hơn 40 công ty P2P đang hoạt động trên thị trường, có những mô hình hoạt động khá hiệu quả, nhất là những công ty cho vay nhắm vào phân khúc DNNVV.
Đơn cử như Lendbiz, qua công ty này, DN có thể huy động vốn từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng, kỳ hạn trả từ 3 đến 12 tháng. Các đơn xin vay được phê duyệt nhanh trong vòng 48 giờ. Chia sẻ lý do là công ty tiên phong nhắm tới cho vay DN, ông Nguyễn Việt Hưng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lendbiz cho biết, qua 21 năm kinh nghiệm làm việc tại ngân hàng, được tiếp xúc với nhiều tổ chức kinh doanh, ông nhận thấy các DNNVV cũng như các cá thể kinh doanh hoạt động nghiêm túc có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh doanh rất cao. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được các yêu cầu về mặt hồ sơ hay đã quá hạn mức tín dụng nên các chủ DN và hộ kinh doanh không tiếp cận được nguồn vốn chính thức.
Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia từ WB, người dân Việt Nam có tỷ lệ tiết kiệm rất lớn nhưng họ chưa tận dụng hết nguồn tiền nhàn rỗi đó để đầu tư sinh lời. Vì thế, hiện tại đang có một khoảng trống giữa tổ chức kinh doanh thiếu vốn với cá nhân có tiền nhàn rỗi và Lendbiz được thành lập với mong muốn tạo nên sự kết nối đó, đồng thời mong muốn đẩy lùi tín dụng đen. Để đáp ứng được nhu cầu của DN, đồng thời giảm thiểu rủi ro, lãnh đạo Lendbiz cho biết, công ty này đã thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống chấm điểm tín dụng giúp đánh giá và sàng lọc được các DN tốt nhưng đồng thời vẫn giải quyết được khó khăn của DN.
“Trong 1 năm hoạt động vừa qua, các DN mà Lendbiz hỗ trợ vốn tín chấp đều hoàn trả vốn và lợi nhuận đầy đủ và đúng hẹn cho các nhà đầu tư. Nhiều DN sau khi trả hết nợ đã tiếp tục tái huy động”, vị này cho biết thêm.
Không phủ nhận những lợi ích mà mô hình P2P mang lại, nhưng giới chuyên môn cũng tỏ ra lo ngại việc chưa có khung pháp lý đối với mô hình này khiến cho hoạt động P2P trở nên nhập nhèm, khó quản lý. Trên thực tế, do chưa được cấp phép hoạt động chính thức, các công ty P2P đều đang hoạt động núp bóng tư vấn đầu tư. Đơn cử như Tima hay Vaymuon giới thiệu là những nền tảng P2P đầu tiên của Việt Nam, nhưng giấy phép đăng ký kinh doanh của họ lại ghi ngành nghề hoạt động là: hỗ trợ dịch vụ tài chính, dịch vụ thông tin khác chưa được phân vào đâu.
Chính vì chưa có khung pháp lý điều chỉnh, nên TS. Nguyễn Trí Hiếu lo ngại rủi ro cho cả người đi vay và cho vay khi không có cơ quan pháp luật bảo vệ. “Đa phần các công ty P2P đi lên từ những Fintech, tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô kết nối khoản vay. Điều này để lại khoảng trống đối với câu hỏi về tính an toàn khi có rủi ro xảy ra. Không ít trường hợp người dân kêu cứu vì vay trực tuyến nhưng gặp các đối tượng lừa đảo”, vị này tỏ ra băn khoăn.
Rủi ro nữa mà người vay vay vốn từ P2P, được một chuyên gia bổ sung thêm là lãi suất. Các công ty này chào mời vay với lãi suất thấp nhưng người vay phải đọc kỹ nội dung trên hợp đồng nhất là về lãi suất phạt. Các công ty này đưa ra nhiều hình thức phạt làm độn chi phí cho người vay rất lớn như lãi suất phạt chậm trả tiền lãi, gốc… Do đó, nếu không tỉnh táo người vay sẽ rơi vào bẫy lãi suất của các công ty P2P.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Bùi Quang Tín cho rằng, cần phải có khung pháp lý chặt chẽ và thanh tra giám sát hoạt động của mô hình này để không xảy ra biến tướng, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.