|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc 'đại phẫu' thị trường P2P

06:59 | 03/12/2018
Chia sẻ
Trung Quốc đang lên kế hoạch 'đại thanh lọc' thị trường cho vay ngang hàng (P2P) trị giá 176 tỉ đô la vì lo ngại trước sự gia tăng của các vụ vỡ nợ, lừa đảo và cơn giận dữ của giới đầu tư trên thị trường này.
trung quoc dai phau thi truong p2p Tránh 'vết xe đổ' P2P của Trung Quốc
trung quoc dai phau thi truong p2p Thời của cho vay P2P?
trung quoc dai phau thi truong p2p
Nhiều nhà đầu tư ở Trung Quốc mất trắng khi các nền tảng P2P đóng cửa và lãnh đạo của các nền tảng này ôm tiền bỏ trốn. Ảnh: Tech Sina

Kế hoạch đóng cửa các nền tảng P2P nhỏ và vừa

Được quảng bá như một sáng tạo để kết nối người có tiền tiết kiệm với những người vay mượn mức nhỏ, các nền tảng P2P phát triển bùng nổ, khiến các nhà quản lý ở Trung Quốc không kịp trở tay, dẫn đến tình trạng bát nháo và nhiều bất ổn trên thị trường P2P. Giờ đây, các cơ quan quản lý Trung Quốc muốn siết chặt thị trường này.

Theo hãng tin Bloomberg, một số nguồn tin cho hay nhà chức trách Trung Quốc dự định dần đóng cửa các nền tảng P2P nhỏ và vừa. Có thể các cơ quan quản lý Trung Quốc yêu cầu các nền tảng P2P lớn nhất phải giới hạn tổng dư nợ cho vay ở các mức hiện tại và khuyến khích dần giảm cho vay.

Kế hoạch chấn chỉnh này là sự mở rộng sau cuộc thanh lọc cấp thành phố tại Hàng Châu, trung tâm của thị trường P2P ở Trung Quốc. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy các lãnh đạo Trung Quốc muốn thu hẹp mạnh một thị trường đã để xảy ra vụ lừa đảo theo mô hình Ponzi (vay tiền của nhà đầu tư sau để trả cho người đầu tư trước) lớn nhất trị giá 7,6 tỉ đô la dẫn đến các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố lớn và những mất mát đã làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người dân gửi tiền đầu tư vào các nền tảng P2P.

Động thái trên cho thấy rằng chính phủ của ông Tập Cận Bình vẫn chưa chấn chỉnh xong ngành ngân hàng “bóng tối” (shadow banking) trị giá 9.000 tỉ đô la ở Trung Quốc mặc dù có những lo ngại cho rằng các quy định nghiêm ngặt hơn sẽ làm nghẽn dòng tín dụng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Đây là một lĩnh vực đã được chờ đợi chấn chỉnh quá lâu ở Trung Quốc vì nhiều trong số các nền tảng P2P giờ đây chỉ như “những xác sống” vì đốt nhiều tiền để mở rộng quy mô kinh doanh nhưng rồi thất bại”, Martin Chorzempa, học giả ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington nói.

Chóng nở, chóng tàn

trung quoc dai phau thi truong p2p

Số lượng các nền tảng P2P vỡ nợ trong năm 2018 ở Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh và Sơn Đông. Ảnh: Bloomberg

Tại Trung Quốc, các nền tảng P2P là một trong những khu vực ít bị quản lý và rủi ro nhất của hệ thống ngân hàng bóng tối. Thiếu giám sát đã dẫn đến sự tăng trưởng bùng nổ, mất kiểm soát, khiến tổng nợ cho vay trên thị trường P2P của Trung Quốc từ chỗ gần như không đáng kể vào năm 2012 lên mức 1.220 tỉ nhân dân tệ (176 tỉ đô la) vào tháng 12-2017.

Ban đầu, các nền tảng P2P này hoạt động đúng như kế hoạch. Người tiết kiệm được hưởng mức lãi suất hai con số với rất ít vụ vỡ nợ, trong khi đó, những người có nhu cầu vay các khoản vốn nhỏ nhưng không đủ điều kiện vay các ngân hàng nhà nước, đã tìm kiếm được nguồn vay vốn mới. Khoảng 50 triệu nhà đầu tư, tương đương hơn số dân của hai bang New York và Texas (Mỹ) gộp lại, đã đăng ký gửi tiền đầu tư khi các nền tảng P2P ở Trung Quốc thành lập với tốc độ ba nền tảng/ngày.

Các vấn đề bắt đầu nảy sinh khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện thanh khoản trên thị trường bị thắt chặt. Một trong những dấu hiệu bất ổn lớn đầu tiên là cú bung vỡ của nền tảng cho vay hàng Ezubao vào đầu năm 2016 liên quan đến một vụ lừa đảo Ponzi, khiến 900.000 người bị lừa mất tổng cộng 7,6 tỉ đô la.

Không lâu sau đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến dịch dọn dẹp hệ thống ngân hàng bóng tối, dẫn đến làn sóng đóng cửa của các nền tảng P2P, khiến khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp càng bị hạn chế.

Hồi tháng 6, Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) Guo Shuqing cảnh báo các nhà đầu tư rằng họ phải chuẩn bị cho viễn cảnh mất trắng tiền ở các sản phẩm đầu tư có mức lãi suất cao. Lời cảnh báo cho thấy chính phủ Trung Quốc không có ý định tiến hành một cuộc giải cứu trên thị trường P2P.

Hơn 80% trong số khoảng 6.200 nền tảng P2P của Trung Quốc hoặc đóng cửa hoặc đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do nhiều yếu tố từ các hành vi lừa đảo cho đến đầu tư kém hiệu quả, theo công ty tư vấn cho vay ngang hàng Yingcan Group, có trụ sở ở Thượng Hải. Các nền tảng P2P này có hơn 1,5 triệu khách hàng và dư nợ cho vay lên đến 112 tỉ nhân dân tệ.

Hàng trăm nhà đầu tư ở các nền tảng P2P đã tổ chức các cuộc biểu tình ở các thành phố như Thượng Hải nhưng bị cảnh sát giải tán. Một phụ nữ 31 tuổi ở tỉnh Chiết Giang đã tự tử sau khi bị một nền tảng P2P lừa đảo, khiến cô mất trắng khoản đầu tư gần 40.000 đô la.

80% nền tảng P2P hiện nay sẽ phải đóng cửa

Gần đây, các cơ quan quản lý tại TP. Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, trung tâm công nghệ tài chính của Trung Quốc, yêu cầu một số nền tảng P2P có dư nợ cho vay dưới 100 triệu nhân tệ phải đóng cửa dần dần và hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư trong vòng 12 tháng.

Nhà chức trách Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa ra các chỉ thị tương tự ở các tỉnh thành khác, bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh. “Các cơ quan quản lý đang khiến các nền tảng P2P nhỏ càng khó tồn tại hơn để người dân không chịu thêm các thiệt hại”, Yu Baicheng, Giám đốc nghiên cứu của Công ty nghiên cứu tài chính Internet 01Caijing ở Thượng Hải, nói.

Vẫn chưa rõ thị trường P2P của Trung Quốc sẽ ra sao sau cuộc đại thanh lọc này nhưng giới phân tích dự báo sẽ còn rất ít nền tảng P2P trụ lại được. Theo ngân hàng Citigroup, chỉ có khoảng 50 trong số 1.200 nền tảng P2P hiện nay ở Trung Quốc có khả năng được cấp phép để duy trì hoạt động. Dư nợ cho vay trên thị trường P2P của Trung Quốc đã giảm 30% so với mức đỉnh.

Tang Shengbo, nhà phân tích ở chi nhánh Công ty chứng khoán Nomura Securities tại Hồng Kông, dự báo ít nhất 80% các nền tảng P2P của Trung Quốc hiện này sẽ phải đóng cửa. Ngay cả các nền tảng P2P lớn nhất Trung Quốc cũng dự liệu tình hình sẽ khó khăn trong thời gian tới.

CreditEase, công ty mẹ của Yirendai, nền tảng P2P đầu tiên của Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng New York, đang cố gắng tách rời khỏi hình ảnh công ty P2P. “Ngày nay, công ty chúng tôi vận hành theo mô hình lớn hơn nhiều một nền tảng P2P. Khi thành lập công ty, chúng tôi đã sáng tạo ra mô hình cho vay trực tuyến. Ngày nay, chúng tôi là một công ty công nghệ tài chính”. Cổ phiếu của Yirendai đã giảm khoảng 63% trong năm nay đang là mục tiêu yêu thích của các nhà đầu tư bán khống.

Xem thêm

Chánh Tài