|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tránh 'vết xe đổ' P2P của Trung Quốc

07:30 | 26/11/2018
Chia sẻ
Mô hình cho vay ngang hàng (P2P) thông qua các Cty công nghệ giống như những mảnh ghép còn thiếu trên thị trường tài chính.
tranh vet xe do p2p cua trung quoc Thời của cho vay P2P?

Nhưng làm sao để tránh vết xe đổ mô hình này tại Trung Quốc lại là bài toán không hề đơn giản.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Tima- một Cty công nghệ cung cấp nền tảng kết nối P2P, đã kết nối cho 2,4 triệu người có nhu cầu vay tiền trên toàn quốc. Tổng số tiền giải ngân thông qua nền tảng kết nối này tới người cho vay đạt gần 50.000 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD).

tranh vet xe do p2p cua trung quoc

Mô hình cho vay ngang hàng đúng nghĩa sẽ tạo thêm cơ hội tiếp cận vốn cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Lợi và hại

Ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc của Tima cho biết, nếu như vào thời điểm tháng 12 năm ngoái, mỗi ngày Tima nhận được 1.000 đơn vay tiền, thì tới cuối tháng 10 năm nay số đơn gửi tới hàng ngày đã tăng lên 3.000. “Tima đặt mục tiêu sẽ tăng số này lên 10.000 đơn mỗi ngày, đồng thời thí điểm mô hình cửa hàng online to offline trên 63 tỉnh thành,” ông Vĩnh nói.

Ngoài Tima, trên thị trường còn có hàng chục Cty khác cùng cung cấp nền tảng công nghệ P2P như Vay Mượn, AVAY, MOSA, MONILY, Fiin...

Do tính pháp lý của mô hình cho vay P2P chưa được xác định, nên các Cty này hiện đang chủ yếu hoạt động dưới hình thức tư vấn tài chính. Thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn, sử dụng trí tuệ nhân tạo để đánh giá hành vi và điểm tín dụng của người vay, các Cty này giúp kết nối giữa người đi vay và người cho vay. Theo đó, những người có nhu cầu hỗ trợ tài chính, nhưng không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, vay được tiền mà không phải đi vay nặng lãi bên ngoài.

Tuy nhiên, mặt trái của mô hình này ở thời điểm hiện tại cũng không phải là nhỏ. Đó là người cho vay vẫn chưa được bảo vệ, trong trường hợp người vay không trả.

Các Cty cho vay ngang hàng sẽ giúp những người có nhu cầu hỗ trợ tài chính, nhưng không đủ điều kiện tiếp cận ngân hàng, vay được tiền mà không phải đi vay nặng lãi bên ngoài.

Bên cạnh đó, do không được quản lý, mô hình này lại là cơ hội cho chính tín dụng đen phát triển. Theo đó, một số doanh nghiệp đã biến tướng mô hình P2P bằng cách tự đứng ra huy động vốn rồi cho vay. Điều này vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng.

Đáng lưu ý, ngoài mức lãi suất phải trả, khách hàng còn phải chịu thêm khoản chi phí tư vấn cho doanh nghiệp P2P. Có nhiều trường hợp lãi suất niêm yết chỉ 15-20%/năm nhưng nếu cộng với những khoản phí trong hợp đồng thì mức lãi vay có thể lên tới hàng trăm phần trăm/năm.Thậm chí, ông Trần Việt Vĩnh, sáng lập viên của Fiin cho biết, các tổ chức tín dụng đen còn lập website, sao chép nội dung quảng cáo của doanh nghiệp chính thống và mượn danh mô hình như Fiin... nhằm kinh doanh dịch vụ của họ.

Cần khuôn khổ pháp lý chặt chẽ

Có thể nói sự phát triển của các Cty cung cấp nền tảng kết nối P2P là tất yếu của xã hội. Nhưng bài học về sự sụp đổ của hàng nghìn Cty kinh doanh mô hình này tại Trung Quốc trong năm nay là hồi chuông cảnh báo. Làm thế nào để tránh đi vào “vết xe đổ” đó là câu hỏi lớn với cả các nhà quản lý và cả các Cty công nghệ đang tham gia vào lĩnh vực này.

Một trong những yếu tố khiến nhiều Cty cung cấp nền tảng P2P của Trung Quốc sụp đổ là huy động tiền của nhà đầu tư và sau đó cho vay lại. Thực chất, mô hình đó không còn là mô hình P2P nữa, mà lại hoạt động giống mô hình Cty tài chính hơn. Và hệ quả tất yếu là khi nợ xấu tăng cao, các nhà đầu tư rút tiền thì các Cty này mất thanh khoản. Tình cảnh đó buộc Chính phủ Trung Quốc phải nhanh chóng đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các Cty này.

Còn ở Việt Nam, thiếu các quy định quản lý P2P cũng đang là một rào cản cho các Cty này phát triển, và điều đó cũng đồng nghĩa không có sự bảo vệ đối với người đi vay và người cho vay.

“Tôi rất bức xúc vì nhiều người hiểu nhầm cho vay trực tuyến là tín dụng đen. Chúng tôi mong muốn cơ quan nhà nước sớm ban hành khuôn khổ pháp lý rõ ràng, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch, yên tâm cung cấp dịch vụ có ích cho xã hội,” ông Trần Việt Vĩnh nói.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia về tài chính ngân hàng, bài học Trung Quốc nhắc nhở Việt Nam cần phải xây dựng khung pháp lý hoàn thiện càng nhanh càng tốt cho mô hình tài chính này. Trong đó, quy rõ trách nhiệm của bên cho vay và đi vay, cũng như quyền lợi mỗi bên, kể cả những quy định về lãi suất, và những điều kiện ràng buộc khác.

“Các đơn vị trung gian cung cấp nền tảng công nghệ P2P không được phép huy động, rồi cho vay. Khi chưa có một khung pháp lý để điều chỉnh, thì cả người đi vay và người cho vay đều đối mặt với nhiều rủi ro khi họ không nhận được sự bảo vệ của pháp luật trong trường hợp có tranh chấp xảy ra,” TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Xem thêm

Linh Lan