Vì sao cho vay trực tuyến lãi suất 720% vẫn có đất sống?
Ai chịu thiệt lớn nhất trong giao dịch vay online lãi suất tới 700%? | |
Bùng phát cho vay tiền trực tuyến lãi suất 720% mỗi năm |
Các trang website cho vay ngang hàng (vay trực tuyến) hiện nở rộ. Chỉ cần gõ chữ "cho vay trực tuyến", ngay lập lức hàng chục trang "cho vay nhanh" sẽ xuất hiện. Kèm theo đó là những lời mời gọi người vay như “vay tiền nhanh trong 10 phút, vay tiền nóng online, vay tiền mặt không cần giấy tờ",...
Nhìn nhận về diễn biến này, tại buổi tập huấn về thị trường tài chính tiêu dùng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, các chuyên gia tài chính cho rằng mô hình cho vay ngang hàng – P2P thực sự đang phát triển rất "nóng" tại Việt Nam nhưng lại chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường đào tạo BIDV cho biết, có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam chỉ mới thành lập từ cuối năm 2017 nhưng mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay, cho thấy nhu cầu là rất lớn.
Một trong những website cho vay trực tuyến. Ảnh chụp màn hình. |
Ở nhiều nước, mô hình này cũng phát triển. Riêng tại Trung Quốc, dư nợ cho vay trực tuyến tính đến cuối năm ngoái vào khoảng 30 - 40 tỷ USD, với hơn 6.000 công ty. Tuy nhiên, do mô hình này bị biến tướng nên cơ quan quản lý Trung Quốc đã thu hẹp từ 6.000 xuống còn khoảng 2.000 doanh nghiệp.
TS Lực cho rằng, đây là cách thức cho vay không thông qua trung gian là ngân hàng thương mại, chỉ có đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và người vay, giống như Uber, Grab trong lĩnh vực taxi đã xuất hiện ở Việt Nam.
Việc loại hình vay này nở rộ thời gian qua, theo ông Lực là do trong thực tế đời sống luôn có người cần vay và người muốn cho vay. Ngoài ra, do công nghệ đang phát triển rất nhanh, hỗ trợ cho nhu cầu hiện hữu, tức hoạt động tín dụng lúc này sẽ không cần thông qua các định chế tài chính trung gian, nên người vay và bên cho vay có thể kết nối với nhau một cách nhanh chóng. Đặc biệt nó
phù hợp với nhu cầu xã hội, tâm lý thích thủ tục đơn giản cũng như tình hình phát triển trong thời đại công nghệ được phổ biến rộng rãi như hiện nay.
"Mô hình này có nhiều ưu điểm, như chi phí thấp, giải ngân nhanh nhưng đáng lo là hình thức này đang bị biến tướng, do nhiều người huy động vốn xong không cho vay mà lấy tiền để đầu tư vào lĩnh vực khác. Mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ, bên vay và người cho vay (nhà đầu tư) không rõ ràng... Đồng thời hiện chưa có cơ sở pháp lý để quản lý mô hình cho vay này", TS Lực nói.
Cũng vì chưa có khung pháp lý nên các công ty, nhà đầu tư cho vay xong sẽ dùng nhiều biện pháp để đòi nợ, thu hồi nợ, bao gồm cả thuê xã hội đen... Một số công ty cho vay trực tuyến lợi dụng hình thức cho vay này rồi đưa thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay lên cả 100% mỗi năm, thậm chí 720% một năm.
Theo chuyên gia này, trong bối cảnh nhu cầu vay vốn trực tuyến rất lớn nhưng cơ quan quản lý lại chưa có cơ sở pháp lý nên rủi ro sẽ xảy ra cho cả bên đi vay lẫn người cho vay. Các nhà đầu tư bỏ vốn vào mô hình này càng rủi ro hơn.
Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần định hướng, có khung pháp lý cho mô hình này hoạt động, phát triển đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khung pháp lý cần được xây dựng càng sớm càng tốt, chứ không hẳn thấy khó quản lý thì cấm.
Trước xu hướng phát triển nhanh và phức tạp của P2P, chia sẻ với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng kiến nghị cơ quan chức năng nên sớm vào cuộc để đưa ra các quy định pháp luật cụ thể (liên quan đến hợp đồng, lãi, phí, cách thức thu nợ, trả nợ...). Ngoài ra, cơ quan chức năng cần phải có đủ lực lượng để kiểm tra, kiểm soát loại hình này nhằm tránh xảy ra những biến tướng khó lường, gây rối loạn xã hội.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ đầu tháng 10 mới đây, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận có sự biến tướng tín dụng đen qua vay trực tuyến.
Theo quy định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước quản lý các hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng, còn tín dụng đen không thuộc quản lý của cơ quan này. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát nắm bắt tình trạng tín dụng đen để kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp quản lý chung hoạt động tín dụng tránh tín dụng đen tràn lan.