Cho khách hàng thanh toán bằng tiền ảo, một ứng dụng kết nối dịch vụ sức khỏe trở thành 'kì lân'
Hôm 8/1, ClassPass thông báo họ đã huy động 285 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E và chính thức đạt mức định giá 1 tỉ USD, trở thành "kì lân" mới, theo TechCrunch.
Ra đời năm 2013, ClassPass tạo ra một giải pháp đơn giản để mọi người tập thể dục. Công ty liên kết với các phòng tập gym để mọi người có thể đặt lịch tập thể dục ở một phòng tập mà họ muốn.
Sau khi ra đời, ClassPass liên tục thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới để tìm ra mô hình phù hợp nhất.
Năm 2017, công ty tuyên bố họ sẽ áp dụng hệ thống tín dụng thông qua tiền ảo. Kết hợp với dữ liệu về mức độ phổ biến của các lớp tập, hệ thống tín dụng ấy cho phép ClassPass triển khai cơ chế giá linh hoạt.
Thay vì để người dùng trả mức phí tháng để tham gia 3,5 hay 10 lớp mỗi tháng, ClassPass cho phép họ dùng tiền ảo để đăng kí lớp và trả dựa trên nhu cầu dành cho từng lớp.
Do mô hình đó phát huy hiệu quả, ClassPass chỉ tập trung vào tăng trưởng trong năm 2019. Tăng tưởng ở thị trường quốc tế là ưu tiên hàng đầu. Công ty đang vận hành ở 28 nước, hợp tác với hơn 30.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ rèn luyện sức khỏe.
Khách hàng doanh nghiệp là động lực tăng trưởng thứ hai của ClassPass. Công ty triển khai chương trình dành cho doanh nghiệp mà theo đó doanh nghiệp có thể trợ giá cho nhân viên sử dụng gói dịch vụ.
"Chương trình của chúng tôi khác với những chương trình khác dành cho doanh nghiệp ở chỗ mọi nhân viên đều hưởng chính sách trợ giá dù họ dùng gói dịch vụ hay không", Fritz Lanman, giám đốc điều hành ClassPass, tiết lộ.
Video quảng cáo của ClassPass.
Đến ngày 8/1, ClassPass có hơn 1.000 khách hàng doanh nghiệp, bao gồm nhiều tập đoàn lớn như Stanley, Goldman Sachs, Google và Facebook.
Cuối cùng, ClassPass mở rộng danh mục dịch vụ với việc giới thiệu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Với dịch vụ mới, nhóm sáng lập ClassPass theo đuổi tầm nhìn biến ứng dụng thành một cổng dịch vụ mà nhờ nó, người dùng có thể tận hưởng những trải nghiệm mới. Họ khẳng định đa số người đăng kí lớp thiền đã thử tập.
Payal Kadakia, người đồng sáng lập ClassPass, nhận định đã thành công nhờ liên tục thay đổi mô hình kinh doanh từ năm 2013. Tuy nhiên, anh tin rằng khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới là điểm mạnh nhất của công ty.
Khi mới ra đời, ClassPass cho phép thành viên tập với số buổi không hạn chế mỗi tháng. Sau đó, công ty điều chỉnh phí và khống chế số buổi mà thành viên có thể tham gia mỗi tháng. Sự thay đổi ấy dẫn đến sự ra đời của hệ thống thanh toán bằng tiền ảo và giá lịnh hoạt.
"Thay đổi có thể tạo ra kết quả tích cực. Tôi không cảm thấy xấu hổ với những mô hình mà chúng tôi đã bỏ. Nếu không trải qua những mô hình cũ, chúng tôi sẽ không thể nghĩ tới việc tạo ra mô hình thanh toán bằng tiền ảo", Lanman bình luận.
Vị giám đốc nhấn mạnh rằng một số doanh nghiệp sẽ không bao giờ có mô hình kinh doanh hoàn hảo và họ sẽ phải thay đổi nó liên tục.
"Doanh nghiệp sẽ hưởng lợi ích lớn từ quá trình thay đổi mô hình kinh doanh", Lanman lập luận.