Chở khách đi thêm quãng đường dài, nhiều tài xế Grab không dám thu thêm tiền
'Vắng khách không phải do Grab tăng giá, mà vì tài xế quá đông' |
Ngày 22/7, chị Hạnh - một nhân viên văn phòng - gọi một xe máy bằng ứng dụng Grab để di chuyển từ phố Yên Hòa tới ngõ 180 phố Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội). Tới ngõ 180, chị yêu cầu tài xế đi thêm vài trăm mét để tới ngách 84. Khi xe dừng, tài xế yêu cầu chị trả thêm 12 nghìn đồng.
"Tôi cảm thấy bất ngờ bởi trong những lần đi xe máy Grab trước đó, các tài xế không yêu cầu tôi trả thêm. Cậu lái xe nói nếu quãng đường tôi đi thêm chỉ khoảng vài chục mét thì cậu ấy sẽ không lấy thêm phí. Nhưng vì quãng đường lên tới mấy trăm mét nên cậu ấy phải thu thêm theo quy định của hãng", Hạnh nói.
Khách đợi xe đúng chỗ mà họ đặt trên ứng dụng là một trong những mong muốn của đối tác Grab. Ảnh: Nhạc Dương |
Việt Anh - một thanh niên sống ở phố Lê Duẩn, Hà Nội - từng đặt một cuốc xe Grab Bike hôm 18/7. Khi tài xế gọi điện, anh yêu cầu tài xế vào tận nhà để đón. Tài xế yêu cầu anh trả thêm 12 nghìn đồng vì khoảng cách từ vị trí anh chọn trên ứng dụng tới nhà khá xa.
"Giá cuốc xe là 26 nghìn đồng mà anh ta đòi thêm 12 nghìn đồng. Tôi thấy đòi hỏi quá đáng nên hủy chuyến", Việt Anh kể.
Đỗ Quốc Kỳ, một tài xế Grab Bike ở khu vực quận Hà Đông, Hà Nội, kể rằng phần lớn hành khách mà anh từng chở không biết Grab quy định thu thêm tối đa 12 nghìn đồng nếu khách đi thêm dưới 2 km.
"Hành khách nói họ không thấy quy định đó trên ứng dụng. Vì thế, khi chúng tôi yêu cầu trả thêm tiền, nhiều hành khách đánh giá điểm thấp cho tài xế, hoặc gọi tổng đài để khiếu nại", Kỳ nói.
Quang Hiển - một tài xế Grab Bike sống ở khu vực quận Ba Đình, Hà Nội - đã hành nghề xe ôm công nghệ gần hai năm. Anh khẳng định tỷ lệ khách yêu cầu tài xế đi thêm khá lớn.
"Khách chọn điểm đón ở đầu ngõ nhưng chờ tài xế ở sâu trong ngõ là chuyện rất phổ biến. Thậm chí một lần tôi từng gặp khách đặt xe tới cầu Chương Dương. Khi tới cầu, khách lại bảo tôi đi thêm tới 5 km nữa. Tôi dừng lại, nói rằng nếu quãng đường tiếp theo dưới 2 km, tôi thu thêm 10 nghìn đồng. Còn nếu quãng đường lớn hơn 2 km, chị ấy phải đặt cuốc mới. Chị ấy tỏ ra rất ngạc nhiên, trả tiền tôi rồi xuống xe", Hiển kể.
Hiển nói rằng ngay sau vụ ấy, số điểm của ấy giảm mạnh. "Tôi đoán chị khách kia chấm điểm thấp cho tôi", Hiển dự đoán.
Tài xế Grab luôn lo ngại khách sẽ cho điểm thấp nếu họ yêu cầu khách trả thêm tiền cho quãng đường phát sinh ngoài ứng dụng. Ảnh: Nhạc Dương |
Vũ Hồng Phước, một tài xế Grab ở TP Hồ Chí Minh, nhận định đối tác Grab nên yêu cầu khách trả thêm tiền nếu điểm đón và điểm đến thực tế xa hơn so với vị trí mà khách đặt trên ứng dụng.
"Tài xế mà thường xuyên làm vậy thì tình trạng khách đặt sai vị trí sẽ giảm mạnh. Nếu chúng tôi xuề xòa với khách, ai sẽ trả tiền xăng cho quãng đường chúng tôi đi thêm?", Phước lập luận.
Phước thừa nhận nhiều vị khách sẽ đánh giá 1 điểm với những tài xế yêu cầu họ trả thêm tiền.
"Vì thế, mỗi khi gặp khách vui tính, tôi luôn tranh thủ nhờ họ chấm điểm tối đa để bù đắp cho những lần khách cho điểm thấp", anh tiết lộ.
Xuân Thịnh, một tài xế sống ở quận 2, TP Hồ Chí Minh, kể rằng anh luôn yêu cầu khách trả thêm tiền nếu đi thêm và đã nhận nhiều điểm 1.
"Grab từng khóa tài khoản của tôi khi điểm xuống dưới mức 4,7. Họ chỉ nghe lời khiếu nại của khách, không chấp nhận lời giải thích của tài xế", Thịnh kể.
Nhưng khá nhiều tài xế thừa nhận trên các diễn đàn rằng họ hiếm khi dám bảo khách trả thêm tiền sau khi đi thêm một đoạn đường dài.
"Dù đoạn đường phát sinh dài hay ngắn, tôi chẳng bao giờ thu thêm, dù biết như thế tôi sẽ chịu phần thiệt thòi", một tài xế tên Hải thổ lộ trên một diễn đàn của tài xế Grab. Rất nhiều tài xế cũng bình luận điều tương tự bên dưới lời thổ lộ của Hải. "Khách hàng là thượng đế, còn tài xế là con dế", "Thu thêm làm gì, kẻo người ta lại báo lên tổng đài", "Bây giờ kiếm khách khó lắm, nên có khách là tôi mừng. Họ bắt đi thêm một quãng tôi cũng chấp nhận" là những câu bình luận của họ.
Một số tài xế bình luận rằng nhiều đồng nghiệp quá dễ dãi với khách nên một bộ phận khách mặc nhiên nghĩ họ có quyền yêu cầu tài xế đi thêm mà không phải trả tiền cho quãng đường phát sinh.
"Rất hiếm khi khách tự trả thêm tiền cho quãng đường phát sinh thêm. Một lần, tôi được khách trả thêm 5 nghìn đồng sau khi luồn lách vào ngõ sâu để đưa khách tới tận nhà. Tôi thấy rất ấm lòng với hành động ấy. Số tiền đó tuy nhỏ, nhưng nó cho thấy sự hiểu biết và cảm thông của khách", Lê Minh Tần, một tài xế ở TP Hồ Chí Minh, kể.
Bùi Trang Nhung, một chuyên viên tiếp thị ở Hà Nội, nhận định rằng Grab nên áp dụng những giải pháp hợp lý để hành khách có ý thức cư xử đúng, chẳng hạn như trả thêm tiền nếu đặt sai điểm đón hoặc đi thêm.
"Hành khách đang được Grab ưu tiên khá nhiều nên đôi khi tài xế thiệt thòi. Trả thêm tiền cho quãng đường đi thêm là điều công bằng. Đó cũng là biểu hiện của nếp sống văn minh", Nhung bình luận.
Xem thêm |