'Vắng khách không phải do Grab tăng giá, mà vì tài xế quá đông'
Grab giải thích tăng giá cước là để công bằng với tài xế |
Doãn Quang Nghị hợp tác với Grab từ cuối năm 2016. Hồi Tết âm lịch năm 2017, anh ở lại đến tận mùng 1 Tết và kiếm khá nhiều tiền.
"Khoản thu nhập của tôi trong mấy ngày giáp Tết cao gấp 4-5 lần ngày thường", Nghị kể.
Nhưng tình hình đã thay đổi vào Tết cổ truyền năm 2018.
"Số lượng cuốc xe thấp hơn nhiều so với Tết năm trước. Thu nhập chỉ hơn ngày thường chút xíu nên tôi quyết định về quê từ chiều 29 âm lịch", Nghị nói.
Chu Hữu Lộc, một đối tác của GrabCar ở TP Hồ Chí Minh, nhận thấy số lượng khách từ đầu năm nay giảm hẳn so với năm ngoái.
"Ngay từ hồi tháng 1 năm nay, tôi đã cảm thấy khó bắt khách hơn và thu nhập giảm 2-3 triệu đồng mỗi tháng. Vì thế, tôi phải tăng thời gian làm việc để bù đắp khoản thu nhập giảm", Lộc nói.
Lộc nói thêm rằng số lượng khách đặt xe vào thứ bảy và chủ nhật cũng đang có xu hướng giảm so với ngày thường và so với năm ngoái.
"Có lẽ một trong những nguyên nhân khiến số lượng khách đặt xe giảm là vì Grab tăng giá cước", Lộc nhận định.
Nhiều tài xế GrabBike sẵn sàng giao hàng, phát tờ rời để tăng thu nhập trong bối cảnh việc tìm khách ngày càng khó khăn. Ảnh: Nhạc Dương |
Ông Jerry Lim, giám đốc GrabTaxi Việt Nam, thừa nhận Grab đã tăng cước phí các dịch vụ vận chuyển từ năm 2017 do giá xăng tăng liên tục, chẳng hạn năm 2017 giá xăng đã tăng 6 lần.
"Chúng tôi tăng cước là để công bằng với các đối tác vì tài xế than phiền giá xăng tăng nhưng cước vẫn không thay đổi", ông Jerry Lim phát biểu.
Số lượng đối tác Grab quá lớn
Lâm Tường Minh, một tài xế Grabbike ở Hà Nội, luôn vào các nhóm giao hàng trên mạng để tìm việc vì thu nhập của anh trong mấy tuần gần đây chỉ đạt từ 100.000 tới hơn 300.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, anh cũng sẵn sàng phát tờ rơi nếu thấy cơ hội.
"Muốn kiếm 300.000 đồng, tôi phải chạy tối thiểu 100 km nên xe của tôi xuống cấp rất nhanh. Bản thân tôi nghĩ tình trạng vắng khách không phải do Grab tăng giá cước. Nhiều khách tôi gặp không hề nghĩ giá đã tăng và họ cũng không coi đó là điều quan trọng. Tôi nghĩ số lượng tài xế tăng mạnh chính là thủ phạm", Minh lập luận.
Cảnh tượng nhiều tài xế GrabBike cùng di chuyển trên đường không còn là hiện tượng hiếm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhạc Dương |
Đồng quan điểm với Minh, ông Vũ Văn Đồng, một tài xế Grabbike trọ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, nói thêm rằng thời tiết nóng nực trong hai tháng qua cũng khiến lượng khách gọi xe máy giảm.
"Số lượng tài xế quá lớn thì đương nhiên ai cũng thấy rồi. Nhưng cũng do yếu tố thời tiết nữa. Tôi đoán nhiều khách thường đặt xe máy sẽ chuyển sang gọi ô tô GrabCar để tránh nắng nóng", ông Đồng bình luận.
Phan Thùy Chinh, một kế toán viên làm việc ở quận Đống Đa, Hà Nội, nhận thấy tần suất tài xế GrabBike xuất hiện trước mắt cô trên đường đi làm tăng mạnh trong thời gian gần đây.
"Cảnh tượng 2-3 tài xế mặc áo xanh lục của Grab phóng gần tôi trên đường không còn là hiện tượng hiếm. Nhiều khi tôi còn thấy 4-5 người mặc áo Grab vô tình di chuyển gần nhau. Có vẻ số lượng tài xế GrabBike đang khá lớn", Chinh nhận xét.
Đoàn Giang Nam, một tài xế GrabBIke ở TP Hồ Chí Minh, thừa nhận số lượng đồng nghiệp của anh đang ở mức quá lớn.
"Bây giờ mọi người đi đâu trong thành phố cũng thấy bóng dáng tài xế GrabBike. Hầu như lần đứng chờ đèn đỏ, tôi cũng thấy ít nhất một tài xế GrabBike ở xung quanh. Tài xế đông quá nên bắt khách ngày càng khó. Thu nhập giảm nên tôi phải tích cực giao hàng để kiếm thêm", Nam nói.
Hành khách không chú ý tới sự tăng giá
Phan Tuấn Đạt, một kỹ sư xây dựng ở TP Hồ Chí Minh, thường xuyên gọi xe GrabBike để di chuyển. Anh nhận định việc Grab tăng giá cước không phải nguyên nhân chính khiến tài xế khó tìm khách hơn.
"Dù giá cước GrabBike tăng nhưng tôi vẫn gọi xe vì không phải mặc cả như khi gọi xe ôm truyền thống. Ngoài ra, cước của GrabBike vẫn thấp hơn so với giá của xe ôm truyền thống. Tôi chỉ hạn chế gọi Grab vào những hôm trời mưa hay giờ cao điểm vì khi đó giá luôn tăng vọt", Đạt nói.
Đồng quan điểm với anh Đạt, chị Lý Kim Phụng, một người kinh doanh tự do ở Hà Nội, cho rằng ngay cả khi giá cước của Grab cao hơn xe ôm truyền thống chút ít thì chị vẫn gọi.
"Gọi GrabBike tiện hơn xe ôm truyền thống vì tài xế đến tận nhà đón. Nếu muốn gọi xe ôm truyền thống, nhiều người sẽ phải đi bộ tới vị trí tài xế đứng. Nếu khoảng cách từ nhà của khách hàng tới vị trí xe ôm quá lớn, khách hàng sẽ cảm thấy ngại", chị giải thích.
Bùi Thanh Mẫn, một cán bộ hưu trí ở TP Hồ Chí Minh, thường xuyên gọi dịch vụ GrabBike để tới bệnh viện vì các con bận đi làm. Bác nói rằng trước đây các tài xế xe ôm truyền thống luôn xuất hiện ở ngõ đầu phố và cuối phố nên bác có thể ra đó và gọi. Nhưng từ khoảng giữa năm 2017 tới nay, bác hiếm khi thấy tài xế đứng chờ khách trên phố.
"Có lẽ phần lớn họ đã giải nghệ trước sức ép cạnh tranh của xe ôm công nghệ. Đôi khi tôi ra đầu phố thì thấy xe ôm truyền thống, nhưng rất nhiều lần không thấy ai. Vì thế nên tôi cứ gọi GrabBike cho chắc chắn. Giá cước tăng hay giảm thì tôi vẫn chỉ có một lựa chọn là GrabBike mà thôi", bác nói.
Xem thêm |