Chính phủ lên tiếng trước số dư gần 42.800 gửi ngân hàng của EVN
Mới đây, trong văn bản báo cáo về công tác điều hành giá điện, Chính phủ cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện thoái toàn bộ vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất kinh doanh điện với tổng giá trị vốn thoái vốn thành công theo mệnh giá thực hiện là 2.214 tỉ đồng, tổng giá trị vốn thu về 2.341 tỉ đồng, thặng dư vốn 127 tỉ đồng.
Riêng khoản vốn đầu tư còn lại 7,5% vốn điều lệ tương ứng 187,5 tỉ đồng tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực đang kinh doanh có lợi nhuận và trả cổ tức hàng năm sẽ được EVN thực hiện thoái vốn trong năm 2019.
Các khoản chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và không bao gồm các khoản chi phí đầu tư ra ngoài nghành của EVN.
Về số dư gần 42.800 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng của EVN và quản lý dòng tiền của EVN tại thời điểm 30/6/2018, Chính phủ cho biết đây là tổng số tiền gửi ngân hàng tại 253 đơn vị thành viên cấp 2 và cấp 3 thuộc Tập đoàn để phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng.
So với số dư nợ phải trả ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106.000 tỉ đồng), thì số dư tiền gửi nêu trên chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu, bán điện (55.000 tỉ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn tiền mua điện của các nhà máy điện (10.000 tỉ đồng), trả nợ ngân hàng đến hạn (22.000 tỉ đồng), thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (2.500 tỉ đồng) và các khoản phải trả phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng (16.500 tỉ đồng).
Do đặc thù của ngành nghề kinh doanh, tiền điện thường tập trung vào cuối tháng nên số dư tiền gửi của EVN vào các ngày cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại.
Một số khoản vay nước ngoài các đơn vị phải sử dụng tài khoản đặc biệt hoặc giải ngân một lần về tài khoản chuyên dụng của người vay theo quy định của Hiệp định vay nên đã tăng thêm số dư tiền gửi của các đơn vị.
Chính phủ thông tin thêm nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Đối với Công ty mẹ - EVN, trung bình một tháng của năm 2018 chi khoảng 18.806 tỉ đồng cho thanh toán tiền mua điện và chi phí đầu tư chưa kể thanh toán các khoản chi phí khác.
Đối với các Công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở thư tín dụng (L/C) thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.
Trong lĩnh vực đầu tư, EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai.
Chính phủ cho biết đã chỉ đạo EVN điều hành tối ưu hệ thống, khai thác tối đa nguồn thủy điện theo tình hình thủy văn, giảm tổn thất, tiết kiệm chi phí 7,5%.
Tổng các khoản tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, doanh thu hoạt động tài chính năm 2017 khoảng 2.228 tỉ đồng; năm 2018 khoảng 2.326 tỉ đồng.
Điều này giúp giảm giá thành tương ứng khoảng 11-12 đồng/kWh, tương đương khoảng 0,68%-0,69% so với giá bán lẻ điện bình quân năm tính toán.