|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến tranh ủy nhiệm tại Ukraine liệu có dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO?

12:25 | 28/04/2022
Chia sẻ
Ngoại trưởng Nga vừa tố cáo NATO đang tham gia vào "một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga". Vậy chiến tranh ủy nhiệm là gì và liệu có thể dẫn đến đối đầu trực diện giữa Nga và NATO hay không?

Hôm 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tố cáo NATO đang tham gia một cuộc chiến ủy nhiệm thông qua Ukraine. Ông nói: “Về bản chất, NATO tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga và đang trang bị vũ khí cho người được ủy nhiệm là Ukraine. Chiến tranh ủy nhiệm cũng là chiến tranh”.

Ông Lavrov cho biết việc Phương Tây viện trợ vũ khí cho Ukraine đồng nghĩa với việc liên minh NATO “về bản chất đang tham chiến với Nga” và Moscow coi những lô vũ khí này là mục tiêu hợp pháp.

"Những vũ khí này sẽ là mục tiêu hợp pháp cho hành động quân sự của Nga trong bối cảnh chiến dịch đặc biệt", Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố. “Các cơ sở lưu trữ ở miền tây Ukraine đã hơn một lần bị các lực lượng Nga nhắm tới".

Tên lửa Kalibr được phóng từ tàu hộ tống vào năm 2019. Nga tuyên bố đã sử dụng loại tên lửa này để tấn công các cơ sở lưu trữ vũ khí tại Ukraine. (Ảnh: Sputnik).

Các nước thành viên NATO đã đồng ý cung cấp các loại vũ khí tiên tiến cho Ukraine. Tuy nhiên, Phương Tây đã phủ nhận cáo buộc của Ngoại trưởng Nga về việc tham gia chiến tranh ủy nhiệm.

Theo Euronews, Tổng thống Anh Boris Johnson cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Nga đang cố gắng coi đây là một cuộc xung đột giữa Nga và Phương Tây, hoặc Nga và NATO. Đó không phải là những gì đang diễn ra".

Bộ trưởng Quốc phòng Anh James Heappey cũng cho biết NATO không phải là một tổ chức tài trợ vũ khí.

Chiến tranh ủy nhiệm là gì?

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Thiếu tướng, PGS. TS. Trần Minh Sơn cho biết, chiến tranh ủy nhiệm là loại hình chiến tranh được tiến hành thông qua lực lượng của một hoặc nhiều nước khác, hay các tác nhân phi nhà nước. Loại hình chiến tranh này đang được một số nước sử dụng để can dự vào các cuộc xung đột nhằm đạt mục tiêu chiến lược mà không sử dụng lực lượng trực tiếp tham chiến.

Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm ủng hộ các phe có chung hệ tư tưởng chính trị.

Nội chiến Tây Ban Nha được coi là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa các quốc gia đại diện cho hệ tư tưởng của châu Âu trước Thế chiến II. Liên Xô hỗ trợ Cộng hòa Tây Ban Nha, Phát xít Đức và Ý hậu thuẫn cho Tướng Franco.

Xung đột ở Syria là cuộc chiến ủy nhiệm giữa các cường quốc trong khu vực và thế giới, với sự tham gia của cả Mỹ và Nga. Moscow đã ủng hộ Syria từ năm 2015, trong khi Washington đã hỗ trợ về mặt hậu cần và quân sự cho các nhóm chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad kể từ năm 2013.

Tại Việt Nam, thời gian đầu của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng có thể được coi là chiến tranh ủy nhiệm. Chiến lược chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965) đã được Mỹ sử dụng với công thức “Cố vấn Mỹ + vũ khí Mỹ + Quân đội Sài Gòn”.

Các cuộc chiến tranh ủy nhiệm ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Với các cuộc xung đột trong hai thế kỷ qua, xác suất một nhóm nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài đã tăng từ khoảng 1/5 lên khoảng 4/5. 

Sự cạnh tranh giữa các cường quốc luôn song hành với các cuộc chiến tranh ủy nhiệm dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhà khoa học chính trị Daniel Byman viết: “Thật không ngoa khi nói rằng tất cả các cuộc chiến lớn ngày nay về bản chất đều là các cuộc chiến tranh ủy nhiệm”. 

“Cuộc chiến ở Ukraine cũng không phải là ngoại lệ”.

Vũ khí NATO viện trợ cho Ukraine

Tờ iNews của Anh cho biết, Mỹ đã viện trợ khoảng hơn 3 tỷ USD vũ khí, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, tên lửa chống tăng Javelin, máy bay không người lái Switchblade, radar giám sát đường không và máy bay trực thăng.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã gửi các hệ thống tên lửa chống tăng AT-4, 18 hệ thống lựu pháo 155mm và 40.000 viên đạn, cùng với radar phản pháo AN/TPQ-36 và radar giám sát đường không AN/MPQ-64 Sentinel.

Anh đã cung cấp cho Kiev khoảng 10.000 vũ khí chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới (NLAW) cũng như tên lửa Javelin, tên lửa phòng không vận tốc cao Starstreak và xe bọc thép Stormers có khả năng mang bệ phóng tên lửa.

Trong số các thành viên NATO khác, Ba Lan trong tuần này cho biết đã gửi xe tăng tới Ukraine,  Canada đã gửi hoặc hứa sẽ gửi súng máy, súng trường, súng ngắn, đạn dược và tên lửa chống tăng.

Hệ thống phòng không tầm gần Gepard nằm trong gói viện trợ vũ khí hạng nặng mới nhất của Đức gửi đến Ukraine. (Ảnh: RT).

Pháp đã cung cấp thiết bị quân sự trị giá hơn 100 triệu EUR. Đức hiện tuyên bố sẽ gửi xe tăng đến Ukraine thông qua một thỏa thuận trao đổi xe tăng với Slovenia.

Trong khi đó, Slovakia cung cấp các khẩu đội tên lửa phòng không S-300 và Cộng hòa Séc gửi xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và hệ thống pháo.

Nguy cơ đối đầu trực tiếp

Với sự phát minh của vũ khí hạt nhân trong Thế chiến II, các cường quốc sở hữu loại vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt này đều cố gắng né tránh xung đột trực diện. Các quốc gia hiểu rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Nga sẽ gây nên tổn thất khổng lồ về sinh mạng và tài sản, hoặc thậm chí hủy diệt hoàn toàn nền văn minh nhân loại.

 

Chiến tranh ủy nhiệm vẫn có thể trở thành cuộc đối đầu trực diện. Sau khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, Mỹ đã sử dụng chính quân đội của mình để tham chiến ở Việt Nam trong thập niên 1960 - 1970. 

Mặc dù viện trợ vũ khí cho Ukraine, Mỹ và các đồng minh Phương Tây vẫn từ chối yêu cầu thiết lập vùng cấm bay của Kiev. Thiết lập vùng cấm bay sẽ tương ứng với việc trực tiếp tham chiến của NATO tại Ukraine.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu hôm 22/4 rằng NATO phải tránh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga bởi điều này có thể dẫn tới Thế chiến III. Ông nói: “Đó là lý do tại sao Đức phải xem xét từng bước một và phối hợp chặt chẽ với nhau”. 

"Tránh leo thang căng thẳng giữa Nga và NATO là ưu tiên hàng đầu của tôi”. Tuy nhiên, vào ngày 26/4, Đức đã thay đổi lập trường và quyết định viện trợ các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine.

Theo tờ Daily Express, Cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh, ông Mike Jackson cho biết nguy cơ Thế chiến III không thể bị loại trừ. Theo ông, “tình hình hiện tại đang rất nhạy cảm về phương diện Đông/Tây cũng như tương lai thế giới”.

Ông Jackson cảnh báo tình hình thế giới hiện nay là "hoàn toàn mới lạ" và cho rằng hành động của Nga có nghĩa là nguy cơ vũ khí hạt nhân được triển khai có khả năng tăng lên.

Mặc dù cả Phương Tây và Nga đều cố gắng tránh leo thang căng để dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện, hai bên vẫn liên tục có những khiêu khích. 

Theo BBC, hôm 26/4, Bộ trưởng Quốc phòng Anh tuyên bố Ukraine có thể sử dụng vũ khí Phương Tây để tấn công vào lãnh thổ của Nga. Tuyên bố này ngay lập tức chịu phản ứng dữ dội từ phía Moscow.

Chỉ vài ngày sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine diễn ra, Tổng thống Nga Putin đã đặt lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động cao nhất. Tuần trước, Nga vừa thử nghiệm thành công loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.

Ngày 25/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo rằng có nguy cơ “rất thật” về một cuộc Thế chiến III. Theo ông Lavrov, mặc dù Nga coi chiến tranh hạt nhân là điều “không thể chấp nhận”, nhưng tình hình đã trở nên tồi tệ đến mức có một mối đe dọa thực sự và nghiêm trọng của một cuộc xung đột hạt nhân.

Minh Quang