Chiến tranh thương mại leo thang, các chuỗi thương hiệu đồ ăn nhanh của Mỹ tại Trung Quốc vẫn 'thăng hoa'
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đẩy mạnh cuộc chiến thương mại bằng cách tuyên bố Washington sẽ áp thuế 10% vào 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/9.
Căng thẳng thương mại từ hai nước đã khiến Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 6,2% - thấp nhất trong 27 năm qua.
Nhưng Aaron Allen, ông chủ của chuỗi nhà hàng toàn cầu Aaron Allen & Associates, lại nghĩ đây là một cơ hội thay vì nguy cơ, theo CNBC.
Lí do mà vị tỉ phú đưa ra là các khách hàng sẽ hướng tới những sản phẩm rẻ hơn. Bằng chứng rõ nét là số tiền mà người dân chi tiêu cho đồ ăn nhanh ngày càng tăng.
Cơ hội của các thương hiệu đồ ăn nhanh nước ngoài
Trung Quốc vốn là một thị trường hấp dẫn với 1,4 tỉ dân. Vì vậy, đây luôn là miền đất hứa với những doanh nghiệp đồ ăn nhanh muốn mở rộng thị trường.
"Hãy nhìn vào tiềm năng ở đó, và rõ ràng chẳng có rào cản nào ngăn những thương hiệu của Mỹ tràn vào Trung Quốc". Allen nói trong một cuộc phỏng vấn.
Kế hoạch của McDonald's là mở thêm hơn 400 cửa hàng mới ở Trung Quốc từ nay tới hết năm 2019. Đây là một phần trong kế hoạch 5 năm của hãng.
Trong tương lai xa, McDonald's đặt mục tiêu tăng gấp đôi số cửa hàng tại Trung Quốc lên con số 4.500 vào năm 2022.
Năm 2022, McDonald's sẽ có 4500 cửa hàng tại Trung Quốc. Ảnh: eater.com
Phát biểu trong buổi họp báo vào tuần trước, Steve Easterbrook, tổng giám đốc của McDonald's, tuyên bố ông rất lạc quan vào tương lai của công ty tại Trung Quốc.
Vị CEO sinh năm 1967 cũng cho hay những cửa hàng ở đây đều bán chạy hơn trong quý 2 năm 2019.
Năm ngoái, khi chiến tranh thương mại bắt đầu bùng phát, doanh số của McDonald's đã gặp một cú sốc nhẹ, trước khi phục hồi vào năm nay.
Easterbrook cho rằng việc Trung Quốc áp thuế lên mặt hàng từ Mỹ không phải là vấn đề đáng lo hãng mua nguyên liệu ở thị trường bản địa.
Giá trị cổ phiếu của McDonald's trên thị trường hiện tại là 164,4 tỉ USD, tăng 20% so với đầu năm 2019.
Những kế hoạch mở rộng khác
Chuỗi nhà hàng KFC đã vững chân tại thị trường Trung Quốc từ rất lâu với hơn 600 cửa hàng tại đây. KFC vừa công bố doanh số bán ròng ở thị trưởng tỉ dân này là 1,4 tỉ USD trong quý 2 - chiếm hơn 25% doanh số trên toàn thế giới của công ty.
Đối thủ của KFC là chuỗi nhà hàng Popeyes Louisiana Kitchen cũng đã công bố kế hoạch mở hơn 1.500 cửa hàng tại Trung Quốc trong thập kỉ tới. Trước đó, Burger King đã có hơn 1.000 đơn vị tại đây.
Chuỗi cà phê của Canada Tim Hortons cũng đã nhanh chân kí thỏa thuận mở hơn 1.500 nhà hàng ở Trung Quốc vào năm ngoái.
Tim Hortons ra mắt cửa hàng cà phê tại Trung Quốc. Ảnh: eater.com
Tim Hortons, chuỗi quán bán tới 80% số tách cafe mỗi năm tại Canada, đã bắt đầu có những dấu hiệu chững lại tại thị trường nội địa. Và đương nhiên Trung Quốc sẽ là mục tiêu của chuỗi.
Sau khi mở cửa nhà hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 3, Tim Hortons cũng sắp mở rộng quy mô với 14 đơn vị mới. Tuần trước, CEO Jose Cil cũng tuyên bố rằng hãng sẽ tiến vào thị trường Trung Quốc với một chút thay đổi trong menu và bổ sung vài món đồ uống mới.
Người Đông Á nói chung và người Trung Quốc nói riêng vẫn luôn nổi tiếng là những người "cuồng" trà. Song, những năm gần đây doanh số từ việc bán cà phê cũng như đồ ăn nhanh đã tăng chóng mặt và đây là cơ hội cho doanh nghiệp đến từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.