Chỉ số giá lương thực thế giới tiếp tục giảm trong tháng 8
Việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine được cho là nguyên nhân chính giúp cải thiện triển vọng nguồn cung trên toàn cầu và làm hạ nhiệt giá lương thực.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực thế giới, theo dõi các mặt hàng thực phẩm được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã giảm xuống 138,0 trong tháng 8/2022 so với mức đã sửa đổi của tháng Bảy là 140,7.
Chỉ số này đã giảm từ mức kỷ lục 159,7 được ghi nhận vào tháng 3/2022, ngay sau thời điểm Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Cụ thể, Chỉ số giá ngũ cốc của FAO đã giảm 1,4% trong tháng 8 so với tháng trước đó, được hỗ trợ bởi yếu tố như các cảng ở Biển Đen của Ukraine được khôi phục hoạt động theo một thỏa thuận ngoại giao và triển vọng thu hoạch lúa mì thuận lợi ở các khu vực Bắc Mỹ, Nga. Các Chỉ số giá đối với dầu thực vật, đường, sữa và thịt cũng đều giảm, phần nào phản ánh nguồn cung được cải thiện.
Trong khi đó ở chiều ngược lại, chỉ số giá ngô lại tăng 1,5% do điều kiện thời tiết khô nóng làm giảm triển vọng sản xuất ở châu Âu và Mỹ.
Mặc dù giảm nhưng chỉ số giá lương thực thế giới vẫn cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, FAO đã hạ dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm 2022 xuống 2,774 tỷ tấn từ ước tính trước đó là 2,792 tỷ tấn được đưa ra hồi đầu tháng 7. Con số này thấp hơn 1,4% so với sản lượng ước tính của năm 2021.
Nguyên nhân khiến FAO điều chỉnh giảm dự báo sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay là do triển vọng thu hoạch ngô ở khu vực Bắc Bán Cầu đã giảm vì điều kiện thời tiết không thuận lợi. Sản lượng tại Liên minh châu Âu (EU) đã giảm 16% so với mức trung bình 5 năm.
Nhu cầu sử dụng ngũ cốc toàn cầu trong mùa vụ 2022-2023 dự kiến sẽ vượt sản lượng của năm 2022, khiến dự trữ toàn cầu giảm 2,1% so với mùa vụ 2021-2022 trước đó.
FAO cho biết tỷ lệ này sẽ tương ứng với tỷ lệ sử dụng hàng tồn kho (stocks-to-use) là 29,5%, giảm so với mức 30,9% trong mùa vụ 2021-2022, nhưng vẫn là tương đối cao trong lịch sử.
Stocks-to-use là một thước đo thuận tiện về mối quan hệ giữa cung và cầu của hàng hóa. Tỷ lệ này cho biết mức độ tồn kho của bất kỳ hàng hóa nào dưới dạng phần trăm của tổng số sử dụng hàng hóa đó.